Họa sĩ Thành Vinh: “Giáo dục nghệ thuật cần được nhìn nhận...

Họa sĩ Thành Vinh: “Giáo dục nghệ thuật cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn”

Đăng vào
0

Viết bởi ULY cho SenTia và Hanoi Grapevine
Ảnh chân dung do nghệ sỹ cung cấp
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự đồng ý

Họa sỹ Thành Vinh -là người gợi ý, thiết kế và hỗ trợ tổ chức chương trình nghệ thuật cộng đồng “Gió đầu mùa – Khơi miền sáng tạo” do Trường Liên cấp SenTia khởi xướng, diễn ra vào ngày 10 tháng 1 năm 2021. Đây là một hoạt động có tính tiên phong nhằm tạo ra một không gian trải nghiệm về nghệ thuật và sáng tạo dự kiến tổ chức thường niên với quy mô khá lớn, nhằm thể hiện vai trò và giá trị của tự do sáng tạo trong phát triển con người. Điều thú vị của chương trình là sự cởi mở, tất cả mọi người đều có thể tham gia không phân biệt tuổi tác.

Dưới đây là nội dung buổi trao đổi với họa sĩ Thành Vinh về “ẩn ý” đằng sau sự kiện nghệ thuật này.

Anh hãy mô tả các hoạt động của Gió đầu mùa. Người tham gia sẽ được nhìn,nghe, nếm, trải nghiệm những gì?

Khi lựa chọn các hoạt động cho Gió đầu mùa thì điều đầu tiên tôi nghĩ tới lại chính là những câu chuyện cá nhân và hành trình tìm tòi của các nghệ sĩ, nghệ nhân hay của những nhà thiết kế tham gia vào chương trình này. Những câu chuyện của họ không phải lúc nào ta cũng có thể nhìn thấy một cách tỏ tường, hay dễ dàng sẻ chia chỉ bằng những lời kể. Tôi tin ở trong những sản phẩm của họ đã có đầy đủ các câu chuyện như vậy rồi và làm sao để tạo điều kiện cho mỗi câu chuyện đó có khoảng không để cất lên tiếng nói, kể câu chuyện mà họ muốn kể.

Đầu tiên là không gian nơi chương trình diễn ra, toàn bộ kiến trúc của trường đã là một tác phẩm nghệ thuật, một tác phẩm mà ở đó câu chuyện về ánh sáng, thiên nhiên đan cài, một không gian không chỉ “ngồi để học”, mà còn kéo học sinh ra khỏi không gian phòng học truyền thống để mà “hành”, để trải nghiệm nữa. Tình cờ thì toàn bộ các lớp học đều nằm từ tầng hai trở lên và chúng tôi đã sắp xếp để không gian triển lãm nghệ thuật, các phòng tổ chức hoạt động workshop lại nằm ở vị trí này, rất yên tĩnh. Người xem sẽ có đủ sự thư thái, đủ độ lùi để đắm chìm vào các câu chuyện nghệ thuật của từng nghệ sĩ thông qua các tác phẩm mà họ lựa chọn trưng bày.

Các không gian tổ chức workshop sẽ là nơi mà những nghệ nhân hay nghệ sĩ chia sẻ những kinh nghiệm hoặc hướng dẫn một kỹ năng gì đó cho những bạn đăng ký tham gia. Không hề ồn ào hay xô bồ, những trải nghiệm và kiến thức đó sẽ xảy ra ở một nơi mà hàng ngày hoạt động giảng dạy vẫn đang diễn ra. Và như thế thì người tham dự bỗng nhiên trở lại thành học sinh, còn những người nghệ sĩ, nghệ nhân lại trở thành những người thầy dẫn dắt, được đặt vào vị trí tôn vinh như ta thường thấy trong văn hoá tôn sư trọng đạo của Việt Nam.

Còn dưới khuôn viên tầng một, ngay từ khi bước qua cổng trường người xem sẽ tìm thấy cho mình khoảng không gian của hội chợ đồ thủ công. Những thương hiệu thủ công ở đây đều có những bản sắc riêng, họ tiếp cận và phát triển những sản phẩm mang hơi thở đương đại và đúng như slogan: “Khơi miền sáng tạo”. Ngành nghề thủ công, kể cả thủ công truyền thống cũng phải thay đổi, phải thích ứng, phải sáng tạo để có thể tồn tại trong bối cảnh xã hội tiêu dùng hiện nay. Vẻ đẹp của những ngành nghề truyền thống thì vẫn còn đó, ta ứng xử như thế nào? Còn những nghề thủ công mới, liệu có đất để khẳng định mình không? Chúng ta có nên cổ vũ để phát triển những ngành nghề thủ công mới?. Câu trả lời xin dành cho những người tham dự.

Khi nói đến nghệ thuật thì tôi nghĩ không thể không nhắc đến m nhạc – vì chính âm nhạc có khả năng kết nối rất nhanh giữa người và người. Chỉ cần một giai điệu quen thuộc vang lên thì rất nhiều người đã có thể nhún nhảy hay hát theo.

Những thứ tôi vừa kể trên đây giống như những nét phác khung sườn cho một chương trình bao gồm nhiều loại hình nghệ thuật nhưng cũng chưa hết vì như tôi đã nói toàn bộ không gian kiến trúc của trường đã là một tác phẩm, vậy thì bên trong lõi của tác phẩm này còn nhiều nữa các hoạt động sẽ diễn ra. Tôi để dành cho người tham dự những khoảng không để khám phá, để tiến vào và trải nghiệm những gì chúng tôi đã chuẩn bị để đánh thức tất cả các giác quan của bạn.

Vì sao anh cho rằng những hoạt động mô tả như trên lại quan trọng?

Tôi nghĩ chẳng có điều gì trở nên quan trọng nếu như bạn không thực sự để tâm vào nó. Hoặc giả như bạn quá thu mình lại trong những điều bạn đã biết, trong vùng an toàn của bạn thì mọi thứ trải nghiệm, mọi thông tin ngoài kia sẽ chẳng thể làm bạn hứng thú. Còn với tôi, hay đối với những người yêu nghệ thuật, tôi nghĩ những hoạt động mà tôi vừa mô tả sẽ gây sự chú ý. Chú ý vì tính tiên phong đưa việc học từ những trải nghiệm, ở đây là trải nghiệm về các loại hình nghệ thuật không chỉ còn nằm ở khuôn khổ của một tiết học. Mà ở đây còn là đưa nghệ thuật cổ điển, nghệ thuật thị giác, nghệ thuật biểu diễn và cả nghệ thuật ứng dụng vào khuôn viên của nhà trường. Việc này nhằm để những người tham dự: học sinh, phụ huynh và những người yêu thích nghệ thuật có cơ hội đón nhận nghệ thuật đa dạng và đồng thời, có cơ hội được truyền cảm hứng từ những công việc của những người đang thực hành sáng tạo, và học hỏi từ cách tư duy của họ.

Thực tế có rất nhiều công việc cần sáng tạo, cần một tư duy dám thử dám làm dám sai, mà những điều đó thì những nghệ sĩ, nghệ nhân hay những nhà thiết kế hiểu rõ nhất họ sẽ phải làm gì. Và cuối cùng điều này quan trọng nằm ở hai vế: vế những người làm giáo dục, quản lý và định hướng giáo dục nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc giáo dục nghệ thuật, cũng như giáo dục thông qua nghệ thuật. Vế quan trọng thứ hai đó là những tác động mà những hoạt động này mang lại sẽ trở thành vốn kinh nghiệm, là hành trang cho các thế hệ học sinh. Chỉ có thể tưởng tượng một thế hệ biết thưởng thức nghệ thuật, yêu cái đẹp thì khi đó các vấn đề của cá nhân, của giao tiếp xã hội sẽ được các con xử lý một cách tinh tế ra sao.

Sự khác biệt của Gió đầu mùa so với các trải nghiệm tương tự là gì (ví dụ hội chợ đồ thủ công, hội chợ quà tặng cuối năm/năm mới, các buổi triển lãm nghệ thuật, các sự kiện nghệ thuật đường phố…)?

Tôi phải thừa nhận một điều những năm gần đây làn sóng các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật, thích làm đồ thủ công phát triển rất mạnh. Các bạn muốn tìm về những giá trị xưa cũ để phát huy hay đơn giản là tìm kiếm những tiềm năng về những ngành nghề mới tăng cao. Và các hội chợ đồ thủ công, các sự kiện nghệ thuật đường phố nếu mà điểm lại thì hàng tháng đều có hội chợ để đi xem, còn lúc cao điểm thì có thể có hai đến ba hội chợ tổ chức nối đuôi nhau trong một tháng. Vậy để tạo ra một sự khác biệt là rất khó! Ngay cả khi những thương hiệu thủ công mà đi tham gia hết lần lượt các hội chợ trong năm thì chả còn thời gian để sáng tạo cái mới mất. Thế nên khi xây dựng chương trình này tôi chỉ hi vọng tạo ra được sự khác biệt nhỏ thôi, khác biệt có thể nằm ở thương hiệu thủ công này có sản phẩm gì mới và muốn trưng bày ở hội chợ này. Hay nhóm nhạc mà chúng tôi mời đến có những câu chuyện riêng rất đáng để tìm hiểu, hoặc như một chương trình mà mời các nghệ sĩ thị giác đưa các tác phẩm nghệ thuật của họ trưng bày trong không gian của trường học cũng đã là những khác biệt nhỏ rồi.

Để nói cụ thể hơn về sự khác biệt ở chương trình này, đó là yếu tố giáo dục. Gió Đầu Mùa – Khơi miền sáng tạo mong muốn giáo dục nghệ thuật cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn. Khi giáo dục một con người thì không chỉ có dạy làm toán, học thêm ngoại ngữ để giao tiếp với thế giới. Mà còn cần giáo dục nghệ thuật để có một thẩm mỹ tốt, học nghệ thuật không phải để làm một nghệ sỹ mà để học cách tìm thấy bản thân mình, biết mình cần gì, muốn gì bằng cách sử dụng các phương pháp khác nhau, các “ngôn ngữ” khác nhau để đạt được điều đó. Mấy năm trước rất hiếm khi nghe thấy những câu chuyện về việc một bạn học ở một trường đại học danh tiếng khi tốt nghiệp ra chỉ muốn về quê làm nông, phát triển nghề thủ công truyền thống ở quê mình. Hay rất nhiều câu chuyện về việc nhận ra đam mê thực sự và rồi quyết định rẽ ngang ra sao. Vậy nếu có được sự chuẩn bị, khơi gợi những tiềm năng cũng như hiểu được nhu cầu của bản thân ra sao thì có lẽ những trường hợp phải đi một “khúc cua dài” như vậy sẽ ít đi.

Lý do vì đâu anh cho rằng một sự kiện như “Gió đầu mùa” lại cần thiết và quan trọng trong bối cảnh hiện tại?

Giáo dục rất cần đến đầu tư, đầu tư tâm sức, đầu tư kinh tế, đầu tư thời gian mà kết quả thì chúng ta phải “nhẫn nại” mới có thể nhìn thấy. Nhưng tôi tin, một niềm tin đã có từ nhiều năm trước đó là nếu ta không làm những sự kiện nghệ thuật như thế này để lan tỏa thì thật sự thiệt thòi cho thế hệ con cháu chúng ta. Tôi cũng có một gia đình nhỏ của riêng mình, có một bé trai kháu khỉnh, và hàng ngày tôi có một suy nghĩ là liệu cách giáo dục của tôi có đủ tốt? Tôi có đang làm thiếu điều gì hay bỏ lỡ điều gì không? Con trai tôi liệu có được phát triển cân bằng không nếu sau này cháu chỉ được học những kiến thức “khô khan”? Tôi nhận lời tổ chức chương trình này ngay lập tức như một cách đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi như vậy. Là một nghệ sỹ làm việc độc lập và hợp tác với các tổ chức hay những không gian sáng tạo khác thì chúng tôi – những nghệ sỹ đang làm việc hàng ngày đều có một suy nghĩ giống nhau đó là làm sao để nghệ thuật có thể lan tỏa, có nhiều công chúng hơn, có nhiều người đồng cảm và nhìn nhận các loại hình nghệ thuật đúng với giá trị mà nó xứng đáng nhận được.

Hà Nội được công nhận là Thành phố Sáng tạo, chắc chắn ngành công nghiệp sáng tạo tới đây sẽ nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư từ nhiều phía. Làm sao để không phí hoài sự đầu tư này cũng như có hướng đi đúng ngay từ đầu là điều rất quan trọng. Theo tôi đó chính là những điều để sự kiện “Gió đầu mùa” trở nên cần thiết và quan trọng trong lúc này, cũng như sẽ là một phần góp vào tiếng nói chung về việc phát triển tự do sáng tạo trong tương lai.

Trong sự kiện “Gió đầu mùa”, ai sẽ được hưởng lợi, và theo anh lợi ích lớn nhất mà sự kiện này mang đến cho các bên là gì?

Chắc chắn người được hưởng lợi chính là các em học sinh, những người trẻ tuổi, những người mà đang tìm kiếm câu trả lời cho con đường phía trước. Các em sẽ có cơ hội trải nghiệm về các loại hình nghệ thuật, những ứng dụng của chúng trong đời sống hàng ngày. Nghệ thuật âm nhạc thì là những thanh âm giai điệu, những ca từ chạm vào trái tim. Không có gì truyền đạt thông điệp nhanh và hiệu quả hay có tính kết nối mạnh mẽ như âm nhạc. Nghệ thuật thủ công cũng như nghệ thuật ứng dụng trong đời sống là điều vô cùng cần thiết. Một bộ quần áo cũng phải đẹp về thẩm mỹ, phải mang tính thời thượng, thời trang bắt mắt, nhưng cũng phải chuẩn chỉ về đường kim mũi chỉ hay kích thước vừa vặn tôn dáng của người mặc. Nếu như không có thứ nghệ thuật ứng dụng này thì có lẽ chúng ta đâu cần đến nhà cửa, đến quy hoạch đô thị, hay chỉ đơn giản là một bát ăn cơm sạch đẹp. Chúng ta cần nhiều hơn thứ gọi là công năng để ăn cơm, để đi lại, để mặc thì chúng ta cần thiết kế. Thiết kế bát cơm ăn ngon, nhìn đẹp, đi lại tiện lợi mà đi lại cũng bằng phương tiện có tính thẩm mỹ. Nghệ thuật thị giác, mỹ thuật, hội hoạ, điêu khắc là những xúc cảm thị giác mà đôi khi ngôn ngữ chẳng thể diễn tả nổi. Yêu một ai đó bằng ánh nhìn đầu tiên hay cảm thấy thiên nhiên trước mặt thật hùng vĩ và yên bình. Những tín hiệu về thị giác đó hàng ngày chúng ta tiếp nhận vào đồng thời cũng đào thải ra và lãng quên nó. Vì đâu? Vì những tín hiệu thị giác không đủ mạnh, không đủ gây xúc cảm làm ta ghi nhớ mãi. Nhưng ngoài phần kích thích những xúc cảm thị giác của chúng ta thì những tác phẩm nghệ thuật đương đại còn đặt ra những câu hỏi để chính những người xem nhận thức về “hiện thực” về đời sống hiện tại, những vấn đề mà ta gặp hàng ngày.

Thực sự đó chính là những “lợi ích” mà không chỉ riêng các em học sinh là đối tượng chính chúng tôi hướng đến sẽ được hưởng lợi, mà đôi khi chính phụ huynh, chính những người đăng ký tham dự chương trình này đều sẽ được hưởng lợi. Nâng cao thẩm mỹ, hiểu biết thêm về các ngôn ngữ nghệ thuật, nhìn thấy tiềm năng của ngành công nghiệp sáng tạo và định hướng chính bản thân mình trong tương lai. Về phía ban tổ chức, hay trường SenTia thì mỗi ngày chúng tôi tiếp xúc, làm việc với các nghệ sỹ, các thương hiệu là mỗi ngày chúng tôi học hỏi một điều gì đó mới. Như chính bản thân tôi cũng đang giảng dạy tại trường thì việc này giúp ích rất nhiều cho việc mở mang những chất liệu, cảm hứng để xây dựng nên những giáo trình cập nhật, đổi mới, sát với thực tế hơn dành cho các em học sinh.

Trong thực hành nghệ thuật của anh, anh cộng tác với nhiều bên, bao gồm các không gian sáng tạo, cá nhân nghệ sĩ, nhà tổ chức sự kiện, gallery, bảo tàng v.v….Vì sao anh lựa chọn và cho rằng một trường học nên tổ chức một sự kiện như Gió đầu mùa?”

Tôi nghĩ giáo dục nghệ thuật nên được ưu tiên từ rất sớm, cùng với giáo dục ngôn ngữ, giáo dục kỹ năng mềm. Chúng ta nên là những con người theo nghĩa tốt đẹp, và tích cực chứ không nên bị thiếu hụt hay lệch lạc. Tôi không có ý so sánh hay vẽ ra một hình ảnh toàn mỹ về con người vì đôi khi có những trường hợp cá biệt khi họ thiên lệch về một điều gì đó, họ hoàn toàn có thể tạo ra những điều phi thường. Nhưng theo tôi số đó rất ít, vậy nên khi giáo dục chúng ta vẫn nên phải hướng đến những mô hình tốt. Và đó hoàn toàn là chức năng của một cơ sở giáo dục, của nhà trường. Khi tôi làm việc với các không gian sáng tạo hay gallery và bảo tàng, nơi mà hàng ngày đều tìm câu trả lời cho câu hỏi tìm đâu ra công chúng yêu nghệ thuật? Đào tạo công chúng đó để thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật đương đại, khó xem như thế nào? Hay câu hỏi đơn giản nhất mà bây giờ vẫn đau đầu nhiều nhà giáo dục nghệ thuật đó là làm thế nào để đào tạo một người xem một bức tranh? Và chúng tôi thường nói với nhau rằng muốn có một thị trường nghệ thuật, một nền giáo dục nghệ thuật, một môi trường hay cộng đồng yêu mến nghệ thuật lành mạnh và phát triển thì cần dựa vào nhiều yếu tố đầu tiên là giáo dục, giảng dạy về nghệ thuật cho nghệ sĩ và cho người thưởng lãm – các cơ sở trưng bày, quảng bá, tổ chức triển lãm nghệ thuật, các show âm nhạc – cuối cùng là các nghệ sỹ: hoạ sĩ, nhạc sỹ, ca sỹ, diễn viên, đạo diễn,… – cuối cùng là chính sách tạo thuận lợi và một thị trường nghệ thuật nội địa. Với tất cả những yếu tố đó gặp nhau, cùng lớn mạnh, cùng phát triển thì tôi tin nghệ thuật của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong tương lai. Và xin quay lại thì tất cả những điều này phụ thuộc vào giáo dục – vậy nên chẳng có nơi nào hợp lý hơn cả khi chúng ta bắt đầu từ trong nhà trường, nơi mà chúng ta đang làm công việc “trồng người” cho tương lai./

Về họa sỹ Thành Vinh

Họa sỹ Thành Vinh sinh năm 1988 tại Hà Nội, tốt nghiệp cử nhân ở Học viện Mỹ thuật Trung Ương, Bắc Kinh, Trung Quốc chuyên ngành Đồ họa ấn loát, và tốt nghiệp thạc sĩ tại Học viện Mỹ thuật và Thiết kế AKV|St.Joost, s’- Hertogenbosch, Hà Lan. Thành Vinh đã tham gia nhiều triển lãm trong nước và quốc tế (Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Scotland, Hà Lan), tổ chức nhiều workshop ở Hà Lan và Việt Nam, với chuyên môn sâu về kỹ thuật in ấn. Sau nhiều dự án hợp tác quốc tế, hiện tại Thành Vinh là thành viên sáng lập của Liulo Arts & Craft, giảng viên Nghệ thuật trường SenTia đồng thời hoạt động sáng tác độc lập tại Thành Vinh Studio.

NO COMMENTS

Leave a Reply