Sign Chorus – Khi những vô thanh được gọi tên

Sign Chorus – Khi những vô thanh được gọi tên

Đăng vào
0

Bài và ảnh của Nguyễn Tú Hằng cho Hanoi Grapevine
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Sau khi xem “Bolero Effect” của Moi Tran thuộc dự án Như Trăng Trong Đêm, tôi tò mò vào Đà Nẵng xem “Sign Chorus” – Điệp khúc ký hiệu (tạm dịch).

Moi Tran đã làm việc với Giáo viên và Học sinh tại Trung tâm GD&ĐT Ngôn Ngữ Ký Hiệu và Hỗ trợ người Điếc miền Trung (Central Deaf Services – CDS), để tạo ra một bản (nhạc) kí hiệu độc đáo lấy cảm hứng từ những câu chuyện thu thập được từ các học sinh thông qua một loạt các buổi trò chuyện trực tuyến. SIGN CHORUS được thực hiện bởi các học viên của CDS tại Old Soul Gallery Đà Nẵng, cùng với bộ phim đặc biệt hợp tác với Mai Huyền Chi, Xuân Hạ và sắp đặt chất liệu tạo hình cùng Trần Thảo Miên.

Chương trình bắt đầu từ 19h, nhưng từ 18h khách đã rất đông. Trên tường là sắp đặt một loạt các tấm vải thêu đủ kích thước, màu sắc, mô tả những cụm từ đơn giản bằng những bàn tay với những mũi tên chỉ dẫn để người xem có thể thực hiện theo. Những cụm từ về cảm xúc, tượng hình, tượng thanh thuộc 03 bài thơ cũng nằm trên 3 tấm vải lớn đặt rải rác, với bức tường sáng nhất có dòng chữ lớn SIGN CHORUS. Khán giả đứng trước mỗi tấm vải, mô phỏng động tác trong im lặng hay lẩm bẩm nho nhỏ với sự tập trung kín đáo, xen kẽ những trẻ em khiếm thính khó có thể nhận ra khi tất cả mọi người cùng cố gắng diễn tả lại một cụm từ nào đó chỉ bằng tay.

Tôi vẫn biết người khiếm thị và người khiếm thính có những bộ ngôn ngữ ký hiệu riêng, nhưng người điếc, tôi không biết họ có cảm nhận với âm thanh không? Họ có nghe nhạc, có nhảy theo nhạc không? Họ có cố gắng làm cùng nhau một việc gì đó theo nhịp như cách chúng ta gõ bàn, gõ ghế, bấm bút không? Và họ, với thứ ngôn ngữ mô tả trực diện đã đòi hòi rất nhiều thao tác, có sự ẩn dụ, có nói hình nói bóng, có vui như bình minh buồn như hoàng hôn, có tim đau ngực nhói như chúng ta thường nói không? Hay khi chúng ta đặt hai cánh tay chéo lên ngực, thì có nghĩa là “ấm” và cũng có nghĩa là “yêu”?

“Đây là máy ảnh
Tại sao bạn lại vẽ máy ảnh?
Vì tôi không có máy ảnh
Đây là đồng hồ đeo tay
Và tôi không có đồng hồ đeo tay

Uống từ chiếc cốc hình trái tim
Một bông hoa màu vàng
Trên đỉnh đầu tôi
Tôi đã mua một chiếc nhẫn
Tôi làm mất nó
Tôi mua lại lần nữa
Một sáng mùa xuân
Tôi lại thấy đôi giày xanh”.

Gần hai mươi em đứng xếp một hàng dài, bắt đầu buổi trình diễn. Điệp khúc diễn tấu của ba bài thơ, với đoạn trích một bài ở phía trên mang đầy tính thơ và hình ảnh quá sức đẹp đẽ. Ba bài thơ từ rất nhiều buổi nói chuyện kiên nhẫn với các em của Moi Tran, và nay được các em trình diễn với chính ngôn ngữ đã được người xem hiểu phần nào nhờ sắp đặt gần 40 tấm thêu kỳ công của Trần Thảo Miên ngay từ trước buổi diễn. Các em bước lên bước xuống, thể hiện cá nhân, di chuyển theo nhóm, kể những đoạn với gương mặt bộc lộ cảm xúc không thể rõ ràng hơn, khiến người xem không khỏi mỉm cười trước những sự quá đỗi dễ thương này.

“Mặt trời màu đỏ buổi sáng
Trắng
Vàng
Cam
Ngôi sao màu trắng
Vàng
Vàng
Vàng
Buổi tối tôi thấy
Trăng sáng trên trời
Đêm màu xanh thẳm
Với rất nhiều sao
Đêm màu đen
Nước màu đen
Dòng nước đen
Đen hôi hám
Xám
Hạt mưa lấp lánh rơi
Xám và đen
Mùa hạ là màu xanh của trái dừa
Bên trong quả táo màu trắng
Mùa hạ là màu xanh của quả cau
Bà tôi ăn trầu
Và môi bà chuyển đỏ
Hồng là mùa hạ.”

Có lẽ không chỉ tôi, mà rất nhiều người lớn trong phòng, nhận ra thế giới quan trẻ em, dù có khiếm khuyết hay không, đều trong veo và ngô nghê như nhau, đều đáng được nhận sự quan tâm và kiên nhẫn của mọi người, và có lẽ nếu chúng ta đều giữ sự tò mò như lần đầu bước vào không gian Old Soul và thấy những tấm vải thêu bắt mắt mà bắt chước theo, có lẽ chúng ta đã nghe thấy cả một cộng đồng mặc định là vô thanh và luôn có gì đó yếu thế, có lẽ chúng ta đã trò chuyện để biết bạn cũng nhìn hạt mưa lấp lánh, cũng để ý lông mi dài, chiếc cốc hình trái tim,… và có vô vàn cách mô tả sự vật sự việc chỉ bằng một thao tác như kéo 1 đường ria là chú mèo, tay chụm vào nở bung ra là bông hoa,…

Trên website của Moi Tran có viết: “SIGN CHORUS nhằm mục đích khám phá những cách mới để lưu trữ lịch sử cộng đồng và các câu chuyện kể bằng cách sử dụng ngôn ngữ ký hiệu và kiến thức trong cộng đồng người khiếm thính thông qua biểu diễn, khám phá các hình thức biểu hiện cảm xúc thay thế, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu làm lời chứng cá nhân.” Nhưng tôi biết buổi biểu diễn sẽ không chỉ dừng ở đó. Điệp khúc kí hiệu là buổi biểu diễn trong im lặng, bộ phim là tổng hợp quá trình ghi hình và thực hiện những bài thơ đươc vẽ nên bởi những biểu đạt mạnh hơn cả lời nói, những sắp đặt đủ kích cỡ, hình hài, màu sắc nằm im gọn trên tường như chính mỗi con người khiếm thính, vô thanh nhưng không câm lặng, mắt tinh anh phản chiếu cả thế giới sắc màu, những đôi tay đôi chân linh động học nhảy bằng những giai điệu chảy trôi trong chính họ, và hơn cả, diễn cảm trên khuôn mặt hay từng cử chỉ chân thật không kém, thậm chí còn nhỉnh hơn với chúng ta, những người có nghe mà đôi khi không thấy.

“Tên tôi ở ngay đây
Tôi ký hiệu
Vết bớt đánh dấu tôi

Tôi ký hiệu
Dáng hình đôi mắt
Nán lại trong góc

Tôi ký hiệu
Nốt ruồi đen ở cổ
Chỉ điểm ngón tay

Tôi ký hiệu
Vết sẹo dài dọc cằm
Viền cạnh chạm theo.”

NO COMMENTS

Leave a Reply