Trò chuyện với Lê Xuân Tiến, Nguyễn Trần Nam, Châu Hoàng và Quỳnh Chi
19:00 – 20:30, Thứ sáu 31/03/2023
Rạp chiếu bóng Ô Cách
Á Space, Ngõ 59 Ngô Gia Tự, quận Long Biên, Hà Nội
Link đăng ký
Thông tin từ ban tổ chức:
Một người xem tên Quỳnh Chi đã chia sẻ với đội ngũ rạp như sau: Xem phim ở rạp chiếu bóng Ô Cách là một trải nghiệm tuyệt-kỹ. ‘Tuyệt’ từ trailer tới nội dung phim, từ âm thanh tới hình ảnh, từ ghế ngồi tới không gian rạp. ‘Kỹ’ không chỉ nằm ở kỹ thuật của người dựng phim và người làm mộc, mà còn ở khâu chuẩn bị kỹ lưỡng của điều phối viên, giúp cho trải nghiệm người xem vẹn toàn.
Tuy thế, đội ngũ rạp ghi nhận vẫn còn một số câu hỏi tồn đọng từ phía người xem quan tâm tới bộ phim Tương Ngộ và rạp chiếu bóng Ô Cách. Nhân dịp bộ phim Tương Ngộ sẽ chính thức khép lại vào ngày 26.03.2023 sau năm tuần ra mắt quý khán giả trong hệ thống rạp chiếu bóng Ô Cách, nhường chỗ cho những hành trình mới sẽ sớm được hé lộ của rạp, Á Space và đội ngũ rạp Ô Cách thân mời các bạn cùng ngồi lại với nhà làm phim/nghệ sĩ Lê Xuân Tiến, Nguyễn Trần Nam và Châu Hoàng, điều phối bởi ‘bút măng non’ Quỳnh Chi.
Cùng một nguyên liệu thực phẩm, nhưng qua kỹ thuật chế biến và cách bày trí mà đầu bếp tạo ra vô vàn hương vị đặc sắc cho món ăn. Cũng như vậy, xử lý cùng một khối lượng footage, Lê Xuân Tiến và Nguyễn Trần Nam đã đưa ra hai bản dựng khác nhau dưới cùng một tên phim “Tương Ngộ” (do Như Văn đặt). Trong buổi trò chuyện này, các diễn giả sẽ cùng nhau chia sẻ các quan điểm về cấu trúc, bao gồm cấu trúc trong montage (không gian phim), cấu trúc rạp (không gian vật lý) và cả cấu trúc để làm việc được với nhau. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ được lắng nghe chia sẻ thêm về quá trình hình thành dự án, dựng rạp, và những chuyện bên lề khác đã góp phần tạo nên dịp này.
Tiểu sử:
Lê Xuân Tiến sinh sống và làm việc tại Hà Nội, Việt Nam. Năm 2017, Tiến tốt nghiệp chuyên ngành quay phim truyền hình tại trường Đại học Sân khấu và Điện Ảnh Hà Nội. Tiến lấy hình ảnh động làm phương tiện chính trong thực hành sáng tác của mình.
Sinh năm 1979, Nguyễn Trần Nam thuộc lứa nghệ sĩ đương đại thứ hai của Hà Nội, đồng thời là thành viên của HanoiLink, cùng Nhà Sàn Studio & Nhà Sàn Collective – không gian nghệ thuật thể nghiệm do nghệ sĩ vận hành đầu tiên tại miền Bắc Việt Nam. Kể từ khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2003, Nam đã xây dựng một chuỗi tác phẩm đa dạng, được thực hiện dưới nhiều loại hình và chất liệu khác nhau. Khi tối tăm và nặng nề, khi khôi hài và giễu nhại, nghệ thuật của Nam phản ánh các vấn đề xã hội, chính trị và lịch sử của Việt Nam trong quá khứ cũng như ở thực tại; đồng thời làm nổi bật lên câu chuyện cá nhân cũng như mối quan hệ con người của các nhân vật thuộc các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Các triển lãm tiêu biểu của Nguyễn Trần Nam bao gồm ‘Khúc xạ bất thường’ tại Manzi Art Space, Hà Nội (2022); ‘Undone’ tại Manzi Art Space, Hà Nội (2017); ‘Reunification-1 Journey’; ‘Mise-en-scene’ tại Nhà Sàn Collective, Hà Nội (2016); ‘Những chương vỡ’ tại Manzi Art Space, Hà Nội (2013); ‘Hinterland’ tại Luggage Store Gallery, San Francisco (2012); ‘Kẽ’ tại Nhà Sàn Studio, Hà Nội (2010); ‘Vô hạn’ tại Ryllega Gallery, Hà Nội (2008)…
Châu Hoàng là giám tuyển và quản lý nghệ thuật hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Thực hành của cô tập trung vào việc khai thác các khả thể của triển lãm và sáng tạo nghệ thuật cũng như khảo sát cách ngôn ngữ thị giác phản ánh và đặt câu hỏi về các lĩnh vực đa dạng của cuộc sống. Từ năm 2014 đến nay, cô đã tham gia nhiều dự án văn hóa và nghệ thuật tại Việt Nam, tiêu biểu bao gồm Những Chân Trời Có Người Bay 4 (King Kho Mini Storage, Hà Nội, 2021), Queer Forever! (Nhà Sàn Collective, Hà Nội, 2015), IN:ACT NIPAF Asia WS (Nhà Sàn Collective, Hà Nội, 2017), Dự án Trạm Ẩn/Hiện châu Á (Ga 0, Sài Gòn, 2016-2017).
Quỳnh Chi là trợ lý giám tuyển và cây viết tại Trung tâm nghệ thuật The Outpost, Hà Nội. Năm 2022, Chi nhận bằng cử nhân từ Đại học Miami-Oxford (Ohio, Hoa Kỳ) và hỗ trợ Bà Bầu AIR tham gia Documenta 15 (Kassel, Đức). Ở trường đại học, Chi là chủ tịch Hội sinh viên Lịch sử nghệ thuật & Kiến trúc, đóng góp nhiều bài viết chuyên sâu về nhiếp ảnh và hình ảnh động, đặc biệt quan tâm vấn đề màu da, giai cấp và giới. Tốt nghiệp cử nhân và trở về Hà Nội, Chi mong muốn được kết nối cộng đồng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước thông qua thực hành viết. Cô đã cộng tác với VinMagazine và đóng góp bài viết “Từ Nghệ thật đến Nghệ thuật!” trong cuốn “Từ Điển 202X”, cũng như biên tập song ngữ cho các dự án và triển lãm tại Six Space, VCCA, Mơ Art Space và Galerie Quynh.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.