”Những Đứa Trẻ Trong Sương” – Cuộc giằng co của văn hoá

”Những Đứa Trẻ Trong Sương” – Cuộc giằng co của văn hoá

Bài viết bởi Phan Đan và Uly cho Hanoi Grapevine
Ảnh bởi TPD và Ngoc Nick M
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

“Những đứa trẻ trong sương” là bộ phim tài liệu của đạo diễn kiêm quay phim Hà Lệ Diễm đã tham gia gần 100 liên hoan phim lớn nhỏ kể từ khi được ra mắt vào năm 2021 và gặt hái nhiều giải thưởng. Gần đây nhất, bộ phim góp mặt trong danh sách top 15 đề cử dành cho hạng mục phim tài liệu tranh giải Oscar, và cũng là bộ phim Việt Nam đầu tiên xuất hiện tại hạng mục này. Bộ phim là hành trình hơn ba năm nhà làm phim trẻ tuổi Hà Lệ Diễm đồng hành và quan sát cô bé người dân tộc H’Mông – Má Thị Di ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Phim đã được trình chiếu rộng rãi từ ngày 17 tháng 3 vừa qua.

Em Má Thị Di 12 tuổi khi mới gặp Diễm. (Cảnh cắt trong phim)

Khi đã xem xong phim, thì thấy vấn đề được nói tới ở đây không chỉ là về tục “kéo vợ” của người H’Mông mà còn nhiều hơn thế vô cùng, để lại trong ta muôn vàn suy nghĩ, và những khoảng trống mênh mông.

Khởi đầu bộ phim, Di xuất hiện trong veo hồn nhiên, em ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới, vui chơi bên bạn bè, đi học ở trường, phụ giúp bố mẹ việc nhà. Những thông tin về văn hóa, tập tục đan xen vào mạch truyện một cách tinh tế nhẹ nhàng. Từ chuyện các em bé đóng vai người lớn chơi trò “kéo vợ” với đầy đủ lễ nghi, cho đến văn hóa uống rượu trong đời sống người H’Mông, và cả việc bố mẹ bắt các em nghỉ học vài buổi để đi chăn trâu, cấy lúa – “Toàn những lý do không thể chấp nhận được” như lời cô giáo của Di nói. Thế nhưng “những đứa trẻ” của chúng ta lại không có lựa chọn nào khác, và đó là những chỉ dấu cho những mâu thuẫn văn hoá xảy ra xuyên suốt mạch phim.

Di và các bạn cùng chơi “kéo vợ”. (Cảnh cắt trong phim)

Hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng trong phim là cảnh ba cô bé 12, 13 tuổi đứng hát karaoke trong một đám cưới. Đám cưới vui nhưng bài hát buồn đến thế. Sau đó, Di có giải thích đó là bài hát về việc đi học xa quê hương và thiếu thốn cả vật chất và tinh thần (Bài hát tên là Xa Suab Nco Niam). Mâu thuẫn tiếp theo: mẹ Di luôn nhiếc móc bố Di vì uống rượu nhiều, nhưng có thể thấy mẹ Di cũng “chinh chiến” quyết liệt bên bàn tiệc. Khi mẹ Di nói “chị chưa muốn cho Di đi (lấy chồng), phải già thêm một tí.”, và cái “già thêm một tí” này tức là khi Di 18 tuổi, một cái tuổi mà có lẽ mới chỉ là khởi đầu của cuộc đời. Rồi khi Di bị “kéo” về nhà Vàng – cậu bạn trai cô mới hẹn hò trong phiên chợ Tết, hai người mẹ của hai gia đình gặp mặt nhau. Đối với họ, cưới xin dường như là một chuyện vui, nhưng lại kết thúc bằng câu “đẻ càng nhiều thì mỗi lần chúng nó đi mình lại buồn một kiểu”. Sức ép của tập tục cưới xin đè lên cả thế hệ gia đình Di. Dù ai cũng nói rằng “quyết định là của bọn trẻ”, nhưng dòng chảy của câu chuyện, những hành động và lời nói của các nhân vật xung quanh “bọn trẻ” cho ta thấy chúng bị gò ép và bất lực tới mức nào. Ở cảnh cao trào nhất của bộ phim, khi Di bị nhà Vàng kéo đi ra khỏi nhà của mình, người chị của Vàng vừa cật lực lôi kéo Di vừa nói Di hãy “đi xây dựng cuộc sống mới trong tâm trạng thoải mái”, trong khi Di vẫy vùng chống trả và hét lên “Chị Diễm giúp em!”. Trong khung cảnh ồn ào và hỗn loạn đó, là cuộc đấu tranh nội tâm vừa dữ dội vừa tĩnh lặng của mẹ Di, giữa gìn giữ tục lễ dân tộc và bảo vệ hạnh phúc của con gái, chị đi theo chậm rãi, dẫu muốn đến mấy cũng không thể đưa tay ra cho con nắm lấy.

Mẹ DI gọi điện cho con khi Di bị “kéo” về nhà Vàng. (Cảnh cắt trong phim)

Di – đứa trẻ lớn lên trong sự giao thoa giữa những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc và những tri thức tân tiến mới mẻ – cảm thấy bất an và thiếu lòng tin. Chuyện kéo vợ “bình thường” như vậy đến mức ăn vào tâm trí và có cả một phiên bản “trò chơi” trẻ con, được thừa nhận bởi tất cả mọi người xung quanh, thì em dựa vào đâu để nói rằng làm vậy là không đúng?

Di gặp nhiều trúc trắc trong việc đối diện với các sự kiện xảy đến. Ở tuổi 15, một mặt, em tò mò với những tri thức mới mẻ mang cho em những khao khát về việc thế giới xa hơn sẽ cho em “bao la lựa chọn”, “em muốn đi học để đưa mẹ đi khắp nơi,…những nơi khác nơi này, để mẹ thấy có nhiều thứ mà mẹ không tưởng tượng ra được…” Mặt khác, em tò mò với những cảm xúc mới lạ của lứa tuổi dậy thì, những lời tán tỉnh, những ánh mắt đưa tình, những cái nắm tay giấu sau lưng. Dù thế em chưa sẵn sàng để bị “kéo” về nhà người ta. Em quyết liệt và mạnh mẽ trong sự quẫy vùng muốn vươn tới chân trời cao xa hơn mỏm núi đá mà em leo lên, trong từng nỗ lực chạy trốn khỏi sự sắp đặt của truyền thống văn hóa dân tộc.

Di cho bạn xem tin nhắn của người yêu cũ nhắn. (Cảnh cắt trong phim)

Đạo diễn Hà Lệ Diễm cho biết mục đích ban đầu của việc làm phim về Di là vì thấy ở trong Di hình ảnh của chính mình ngày nhỏ, cô giơ máy quay với mong muốn lưu lại những hình ảnh thuần khiết vô tư của một thời thơ ấu, và quá trình biến mất của tuổi thơ đó. Có lẽ Diễm vừa nhìn thấy trước được, vừa không ngờ đến được, việc kết thúc lại diễn ra khốc liệt tới mức ấy. Cảnh trò chơi “kéo vợ” ở đầu phim nô nức và tràn ngập tiếng cười trẻ thơ giòn tan, cảnh “kéo vợ” ở cuối phim hỗn loạn trong giằng co và la hét hoảng loạn.

Ưu điểm của dòng phim tài liệu là cho chúng ta đối diện với sự thật – một cách không hề hoài nghi. Một bộ phim không có những sắp đặt, một bộ phim mà người cầm máy ăn ngủ sinh hoạt cùng những nhân vật của mình, cười đùa và đau xót cùng nhau, vừa là người ngoài vừa là người thân. Lần duy nhất Hà Lệ Diễm quyết định hành động thay vì chỉ quan sát là khi chìa tay ra giằng lại Di trong cuộc hỗn loạn kéo vợ. Hành động của Diễm vừa đẩy cao sự khốc liệt của cuộc “kéo vợ”, vừa mang cái tình thêm vào cho câu chuyện. Đạo diễn kiêm nhà quay phim quên mất sự tách bạch của mình khỏi câu chuyện trong một thoáng chốc, nhưng việc đó lại càng khiến người xem cảm nhận được tính chân thật hơn bao giờ hết.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm tại buổi họp báo ra mắt phim. (Ảnh: Ngoc Nick M)

Trong câu chuyện có cả tiếng cười và nước mắt rơi này của Hà Lệ Diễm, thật khó để tìm thấy được một nhân vật nào đóng vai tốt, xấu hoàn toàn, hay như một người xem phim đã phải thốt lên “tất cả mọi người đều quá đáng yêu!”.Người mẹ luôn miệng mắng mỏ và trách móc đứa con ngu dại, không nghe lời, nhưng lại là người lo lắng nhất vì luôn sợ em bị bắt đi bán, bởi vậy mới ráo riết quản thúc, một tình cảm không biết phương hướng thể hiện, kể cả khi gọi điện cho con dặn dò ở nhà người ta phải như nào, tiếng nói xen kẽ tiếng nấc cùng hai hàng nước mắt, “Mặc dù mẹ con mình luôn cãi nhau, nhưng từ khi côn đi mất thì mẹ không thể ngừng khóc được”. Và cả khi khuyên bảo con từ chối người bạn trai cũng lựa những ngôn từ sáng trong đẹp đẽ, “Nắng của anh bên nào thì anh về bên nấy. Em không phải nắng của anh. Anh đừng giận em.”, ẩn sâu trong đó là lời dạy về việc hãy chọn sống tử tế trong mọi hoàn cảnh. Cũng phải kể tới Vàng, sự lễ phép, ánh mắt bối rối không phân định được điều mình đang làm là đúng hay sai, sự lung lay trong lòng hiện hữu qua từng cử chỉ e dè, “Có lẽ em đi hơi sai sai rồi”.

Câu chuyện ở đây không hẳn là chỉ về Di mà thôi. Di đại diện cho “những đứa trẻ trong sương”, những đứa trẻ đang hàng ngày phải trải qua tất cả những điều mâu thuẫn của quá trình trưởng thành và xung đột văn hoá, kinh tế, xã hội.trúc trắc đó. Trong điều kiện vật chất còn nhiều thiếu thốn, trong hoàn cảnh không phải chỉ có ăn với học, trong nơm nớp lo sợ một ngày nào đó mình không còn có thể trở về nhà, trong những trọng trách của người lớn mà đứa trẻ nơi em còn chưa kịp biến mất thì em đã phải gánh vác lấy rồi. Tuổi thơ các em im lặng và dữ dội song hành.

Em Má Thị Di tại buổi họp báo ra mắt phim. (Ảnh: Ngoc Nick M)

Chúng ta cho rằng việc Di đã có thể thoát ra khỏi cuộc “kéo vợ” là một kết thúc có hậu mà thở phào nhẹ nhõm, nhưng dễ quên mất cuộc đời ta thấy trong phim thực tế vẫn còn tiếp diễn. Di đã không kiềm chế được cơn nghẹn ngào khi chia sẻ tại buổi họp báo về sự tủi hổ bởi việc làm mất mặt gia đình khi vùng chạy khỏi truyền thống, về những hiểm nguy mà những đứa trẻ vùng cao vẫn phải đối diện cho tới nay, khi bạn của em bị lừa bắt bán sang Trung Quốc, hay người bạn khác thì bị họ hàng vào tận nhà kéo về làm vợ.

Hà Lệ Diễm đã thành công trong việc giải trình các vấn đề bằng cách thẳng thắn nhưng tế nhị thông qua những cảnh quay tình cảm và giàu chất thơ, như một làn nước khi nóng lúc lạnh, len lỏi vào tâm trí người xem, khiến người ta thỏa mãn tấm tắc khen một bộ phim hay nhưng lòng đôi ba phần trĩu nặng tâm tư bởi tính tự sự thực tế.

Em Má Thị Di cùng bà và mẹ tại buổi họp báo ra mắt phim. (Ảnh: Ngoc Nick M)

Hà Lệ Diễm chia sẻ, bởi sự thiếu hụt chi phí, đến cả đồ đạc sử dụng cho quá trình quay cũng phần nhiều là đi mượn. Hầu hết các cảnh quay được, cô không hiểu người ta đang trao đổi với nhau cái gì. Đôi khi quay xong cô hỏi Di mọi người vừa nói gì thế, nhưng đa phần là mãi cho tới tận lúc quay xong xuôi và được tài trợ thêm kinh phí để trả tiền cho người gỡ và dịch hơn 100 giờ nháp phim, thì cô mới biết được toàn bộ câu chuyện mà mình đã chứng kiến trong hơn ba năm trời là những gì.

Dù thế, thì bằng trực giác của người đạo diễn và tình cảm của người chị, cô vẫn kiên trì và bền bỉ vác máy quay chạy theo Di. Nếu nói Di giúp Diễm làm ra được một bộ phim tài liệu thành công, hay có thể nói là “để đời”, thì sự hiện diện của Diễm cũng giúp Di có thêm động lực để mơ ước và khao khát, để kiên định và dũng cảm, để có ý thức và trách nhiệm với quyết định của mình, chứ không phải bất kì ai khác. Nếu hai người không chọn nương tựa vào nhau, yêu thương và tin tưởng nhau, thì vòng lặp an vị theo truyền thống từ bà, cho tới mẹ sẽ lại tiếp diễn lên Di, cứ thế liên tục xoay tròn không hồi kết nếu không có can đảm để kháng cự lại.

Xin được trích lại lời của Hà Lệ Diễm thay cho phần kết. “Tôi không phán xét ai hay điều gì tốt xấu. Tôi làm phim là để ghi lại những điều chân thật nhất từ đời sống của nhân vật, bởi suy cho cùng, chúng ta cũng là những người từ ngoài nhìn vào chứ không thực hành văn hóa của họ. Bất kỳ văn hóa nào không còn phù hợp nữa thì cộng đồng ấy sẽ loại bỏ thôi. Có điều, qua phim của mình, tôi mong muốn nói với những đứa trẻ vùng cao được tiếp cận với nhiều cơ hội học tập hơn. Bởi vì bầu trời ngoài kia rất rộng lớn”.

Đại diện của Varan Vietnam cùng gia đình của em Má Thị Di và đạo diễn Hà Lệ Diễm tại buổi họp báo ra mắt phim. (Ảnh: Ngoc Nick M)

Thông tin thêm

Hà Lệ Diễm sinh năm 1992 tại Bắc Kạn, người dân tộc Tày. Cô tốt nghiệp ngành Báo chí tại Đại học Khoa học – Xã hội & Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, theo học phim tài liệu tại Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) và tham gia chương trình làm phim tài liệu của Varan Vietnam. Cô có thời gian làm việc tại báo điện tử VnExpress.

Trailer của bộ phim “Những Đứa Trẻ Trong Sương”

NO COMMENTS

Leave a Reply