Họa sỹ Hoàng Định: “Vẽ gì cũng được, nhưng đừng lụy thuộc”

Họa sỹ Hoàng Định: “Vẽ gì cũng được, nhưng đừng lụy thuộc”

Phỏng vấn bởi ULy và Đàm Vũ cho Hanoi Grapevine
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Từ ngày 18/03/2023 đến ngày 28/03/2023 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội diễn ra triển lãm “HOME” của hoạ sỹ Hoàng Định cùng các con Hoàng Minh Thuỷ, Hoàng Chúc Anh, Hoàng Nguyễn Khánh Linh và Hoàng Khánh Nguyên.

Họa sỹ Hoàng Định

Hoạ sỹ Hoàng Định sinh năm 1953, ông tốt nghiệp trung cấp và đại học tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, thạc sỹ ngành Nghệ thuật & Thiết kế tại Hà Lan. Triển lãm giới thiệu 36 tác phẩm, được tổ chức nhân kỷ niệm sinh nhật 70 tuổi. Trong triển lãm lần này, hoạ sỹ Hoàng Định cho ra mắt chuỗi 15 tác phẩm sơn dầu và sơn mài mới nhất về phố Hà Nội, là một cuộc chơi trong thế giới trừu tượng siêu thực. Với ông, nghệ thuật không dừng lại ở mô phỏng hiện tượng ngoại vật, mà còn tạo ra một thực thể tồn tại, có khả năng đối thoại với cảm thức của người xem, truyền tải tư duy ứng xử chủ động của người nghệ sĩ với xã hội, với thời đại.

Hoạ sỹ Hoàng Định chia sẻ về cơ duyên triển lãm: “Vợ tôi nói, năm nay ba 70 tuổi, thì các con mỗi đứa góp năm tranh. Vì thế mấy đứa con đang ở nước ngoài cũng đem tranh về. Nhiều hoạ sỹ làm triển lãm chỉ mong bán được tranh nhưng với tôi thì chuyện bán được tranh hay không thì không thành vấn đề lớn. Làm triển lãm để vui, giới thiệu mình có gì mới.

Hanoi Grapevine gặp gỡ ông nhân triển lãm đặc biệt để hỏi về chặng đường thực hành nghệ thuật và quan điểm sáng tác của ông.

Ông đến với hội họa thế nào?

Tôi vốn là dân thiết kế từ lúc Việt Nam còn chưa mở cửa, thiết kế bao bì cho các sản phẩm Việt Nam như Thuốc lá Thăng Long, Rượu Hà Nội, một số sản phẩm ở châu Âu: xà phòng Sun (không biết bây giờ còn không),… Bao bì ở Hà Nội tôi vẽ rất nhiều, muốn đi chào hàng thì phải vẽ 10 bản giống nhau, đều là vẽ tay. Thời đấy vất vả lắm.

Trước khi đi học ở Hà Lan thì đã thích làm nghệ sỹ, cứ đi ký hoạ năm đồng một bức chân dung vẽ bằng bút chì, từ hồi học phổ thông đã thế rồi. Xong rồi thi vào trường Mỹ thuật công nghiệp, học trung cấp 4 năm xong mới học tiếp 5 năm đại học. Sau đó may mắn được chọn mời sang học ở bên kia. Lúc đầu đi học linh tinh ở Nhật một thời gian, học về design, học ở Đức, Pháp, sau đó học thạc sỹ ở Hà Lan. Năm 92 về nước. Làm cả nhà nước với tư nhân. Xong tôi sang bên giảng dạy, là một trong những người thành lập Khoa tạo dáng công nghiệp Viện ĐH Mở Hà Nội, cùng với GS Nguyễn Ngọc Dũng phụ trách ngành Đồ hoạ ở đấy 19 năm.Từ năm 2015 tôi chấm dứt không làm design nữa, tập trung vào hội họa.

Làm hoạ sĩ có dễ kiếm sống không?

Giai đoạn trước tôi kiếm sống được bởi đi tiên phong về design, nên khách khứa nhiều. Tranh thì thời kỳ đầu tôi vẽ cũng nhiều, chủ yếu tôi cho tặng. Bán thì ít. Đến 2013 mới bắt đầu bán tranh.

Tôi vẽ bức trừu tượng đầu tiên tầm năm 2000. Năm đấy mở triển lãm đầu tiên về design, thiết kế, sau đó vẽ trừu tượng, vẽ bức Đại dương. Đến 2013 có một ông người Thuỵ Sỹ ông ý sang và ông ý muốn mua bức Đại dương. Hồi đó tôi vẽ hai bức, một bức là Đại dương Xanh, một bức là Đại dương. Đại dương Xanh hiện nay do một người Việt đang sưu tầm, còn bức Đại dương đăng trên Heritage có ba người đến tranh nhau mua. Hồi đấy tôi định không bán. Tôi đưa ra giá thật cao, nhưng khách mua luôn. Coi như một cơ duyên. Từ đó tôi mới nghĩ đến chuyện kiếm được tiền từ bán tranh.

Làm sao ông thoát được tư duy thiết kế đồ họa để chuyển sang tư duy hội hoạ?
Có thể vì hồi học ở Hà Lan tôi chơi thân với nhiều người bên hội hoạ. Với lại tư duy design của tôi nó vốn thiên sang hội hoạ.

Tôi cho rằng nếu thực sự giỏi về design thì rất dễ sang hội hoạ. Tư duy design rõ ràng hơn. Còn hội hoạ thì bay bổng hơn. Tư duy hội hoạ nhất là trừu tượng hay siêu thực thì nó là lờ mờ mơ mộng. Cho nên nếu người làm design mà có đầu óc mơ mộng thì làm hội họa tốt. Cái tính lãng mạn của anh ta trong cuộc sống, nếu có thì làm hội họa được.

Tư duy của ông hội hoạ thì bắt buộc phải mơ mộng, suy nghĩ về cuộc sống, triết lý nhất, thì sẽ vẽ được tốt. Vẽ gì cũng được, đừng lụy thuộc vào cái thật kia.Vẽ giống thì dễ. Nhưng không cần thiết phải vẽ đầy đủ chi tiết khuôn mặt mà vẫn ra được tinh thần.Thế nên đợt này tôi muốn tập trung vào tín hiệu thị giác để mô tả cuộc sống, mô tả hình ảnh, thậm chí không cần hình ảnh nữa.

Hội hoạ phương Tây đã mang đến cho ông những kiến thức gì?

Tôi đi xem nhiều và tôi học tập rất nhiều. Những bức hoạ của hoạ sỹ nổi tiếng giá trăm triệu USD đều có lý do của nó. Và dù thế nào các bức hoạ đều có sự rung động của trái tim.

Quan điểm của tôi là không thích tả thật. Một nhà phê bình đời Tống đã nói là nếu chỉ nhìn cái cây mà vẽ lại, thì chỉ là vẽ cái hình tĩnh đã chết, không gây ra xúc động gì cả. Thế thì hãy vẽ khác đi, vẽ cái nỗi lòng, cái suy nghĩ của mình ra. Vì thế tôi ảnh hưởng Van Gogh rất nhiều. Tôi ảnh hưởng Monet (Claude Monet), xong rồi Van Gogh.

Năm 2000 triển lãm toàn quốc đầu tiên về tranh Lụa Việt Nam. Tôi có đưa ra giải pháp vẽ tranh lụa theo khối nổi theo kiểu 3D và không bồi lên giấy nữa, căng lên khung luôn. Kỹ thuật vẽ thì vẫn như tranh lụa, chỉ là vẽ có khối, gần như tả thật.

Vì sao ông luôn muốn mở một hướng đi mới?

À, thực ra thì ngay cả khi đóng lại cái cũ để sang cái mới, tôi nhớ lại, tất cả những lần như thế thì đều là do đam mê thôi. Vẽ những cái cũ thuần thục, rồi thì đều đơn giản và thậm chí kiếm được tiền ngay. Hội họa có lúc cũng kiếm được nhiều tiền mà. Tôi thì khẳng định là do đam mê. Bây giờ sang cái tín hiệu thị giác thì tôi thấy nó khác với thời kỳ ấn tượng. Như thời ấn tượng thì phi xe ra cánh đồng hay xem đoạn phim rồi vẽ. Còn lần này, cứ hôm nào không có cảm tình về cái mình đang nghĩ thì khó vẽ được nữa.

Ô Quan Chưởng

Như bức Ô Quan Chưởng tôi bị tắc. Tôi phải lấy lại tinh thần bằng cách đi ra Ô Quan Chưởng đi lang thang, đưa các con đi cùng và giải thích về lịch sử cho các con, phải hiểu rất kỹ về nó, vốn là Đông Hà Môn. Ngắm dòng chảy qua lại giải thích cho con thế là về nghĩ ra cách giải quyết luôn. Tôi không diễn tả cái thực tế bây giờ mà tôi muốn vẽ cái tiếng vang của thời xa xưa, ký ức còn đọng lại trên bức tranh, như cái màu đỏ loé lên trên bức tranh là tiếng sông Hồng thở than mà anh Trung Đức đã hát ấy. Ngẫm lại vì mình yêu bài hát Hà Nội bao nhiêu năm tích tụ nên mình vẽ ra tâm tư nỗi niềm ấy. Đợt này tôi dùng cách vẽ thư pháp quốc hoạ. Lúc vẽ bức Phố hẹp như lên đồng, rất phiêu linh, cứ thế mà nó ra. Mình thấy cũng hay. Những cái tín hiệu thị giác từ cái đốm chuyển sang vệt nhưng nhìn rất phiêu.

Vẽ gì tôi hay tìm hiểu kỹ lắm, ví dụ phố Hàng Điếu, nếu không nhắc thì ít người biết phố đấy có cái đền thờ ông thần lửa, mục đích giữ bình yên cho người dân làm ăn, không bị hoả hoạn, ngoại xâm… Cái đền có từ lâu lắm, nhưng đến bây giờ chỉ còn một khe hẹp để đi vào đền. Và với tôi cái đền đấy như trong một giấc mơ, một cái phố hẹp. Vẽ về đời thường là nhiều, và cả những trao đổi mưu sinh, của những người bình dị nhất.

Lần này tôi không nói về trường phái nào nữa, mà là cách dùng các tín hiệu thị giác để nhận biết những nơi đấy, nói về Hà Nội thời xưa. Có những bức thì phố dàn trải ra. Để người ta thấy được sự sinh hoạt của mọi người.

Phố lên đèn
Phố hẹp
Phố nhỏ
Đường Cổ ngư

Các con ông có ai theo hội họa chuyên nghiệp không?

Tôi suy nghĩ là các cháu ngoài chuyện nghề nghiệp của các cháu thì cũng vẫn nên yêu hội họa. Như con gái lớn làm kinh doanh tôi vẫn khuyên là hội họa nó làm cho con êm đềm và thư giãn. Con lớn vẽ tốt đấy thôi, chả ai dậy, chỉ xem bố làm việc. Bạn thứ hai thì tâm hồn giống bố nhất. Con thứ ba học thiết kế nội thất rồi học thêm marketing. Còn bạn con trai thì học về ngành hoạt hình, ban đầu học game. Triển lãm lần này công lớn nhất là của vợ tôi. Vợ tôi luôn nói với các con là nên dành thời gian để vẽ. Nó cũng là giải trí, vừa là rèn luyện về sự kiên trì, về hội hoạ, về kỹ thuật vẽ, và cũng là một niềm vui thêm vào cuộc sống trong phong phú. Tích tụ lại sau này mình có một gia tài, mình treo tác phẩm của mình cũng thích mà. Như tôi trước đây làm thiết kế về nhà lại vẽ. Sau này mới chuyển qua vẽ hẳn.

Có gì tiếp theo sau triển lãm HOME lần này?

Muốn thì ai cũng muốn nhưng cái gì cũng cần phải có sự chín muồi. Khi nó chín thì mình có thể đặt vấn đề làm gì cho nó tốt nhất. Vẽ tranh cũng thế. Tôi không thể cứ cố tình mà vẽ… Phác thảo là thế song trong quá trình sáng tạo có thể trào dâng ở phút chót, hoặc là phác thảo ban đầu như vậy nhưng mình có thể không vẽ như thế nữa… Vì thế phải chuẩn bị kỹ lưỡng đến khi chín muồi.

Như để vẽ biển tôi thai nghén 5-6 năm nay. Đi đến đâu cũng phải ra biển quay phim, nghe tiếng sóng… Quê tôi ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Chính vì Đồ Sơn nên ấp ủ triển lãm tiếp theo của 2025 tôi sẽ vẽ về biển. Tôi vẽ biển rất nhiều, chưa triển lãm bao giờ nhưng người ta sưu tập mất rồi. Tôi vẽ có cả tả thật. Ví dụ bức Thiên anh hùng ca… tả thật nhưng có tính triết lý.

Một bức vẽ về biển năm 2019 của họa sỹ Hoàng Định

Xin cảm ơn ông rất nhiều!

NO COMMENTS

Leave a Reply