Đỗ Hà Hoài & Đỗ Trọng Quý

[TGS – Giới thiệu nghệ sĩ] Đỗ Hà Hoài & Đỗ Trọng Quý

The Grapevine Selection – Lựa chọn của Grapevine, được khởi xướng bởi người sáng lập Hanoi Grapevine – nghệ sĩ Canada Brian Ring vào cách đây đúng 10 năm, năm 2013. Chuỗi triển lãm Lựa Chọn của Grapevine là sáng kiến nằm trong kế hoạch thực hiện sứ mệnh mà Hanoi Grapevine đặt ra là quảng bá cho nghệ thuật và văn hóa Việt ở cả trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, The Grapevine Selection 2023 là thử nghiệm đầy táo bạo khi đặt các tác phẩm đương đại của những nghệ sĩ nổi bật, từ hội họa, điêu khắc tới sắp đặt giữa một không gian đậm chất di sản văn hóa như Văn Miếu – Quốc Tử Giám tới một không gian công nghiệp hiện đại tới tinh giản cao cấp như Audi Charging Lounge. Hanoi Grapevine mong muốn sự thay đổi không gian không làm giảm đi trải nghiệm thưởng thức nghệ thuật của khán giả, trái lại sẽ cộng hưởng với những tác phẩm mang vẻ đẹp độc đáo, gia tăng sự phong phú giác quan trong việc kết hợp xuyên suốt giữa các không gian và chủ đề triển lãm, một xu thế sẽ bùng nổ tại Việt Nam trong tương lai.

Năm 2023, The Grapevine Selection tuyển chọn 53 tác phẩm từ 16 nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực: Hội họa, Điêu khắc và Sắp đặt với sự cố vấn từ Hội đồng nghệ thuật.

Nghệ sĩ Đỗ Hà Hoài

Đỗ Hà Hoài sinh năm 1994 tại Gia Lai, tốt nghiệp chuyên ngành Điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018. Các tác phẩm của Đỗ Hà Hoài gằn liền với sự quan sát những phản ứng tâm sinh lý của con người, từ đó liên kết với những vấn đề về xã hội và môi trường xung quanh. Đỗ Hà Hoài đã tham gia các Triển lãm nhóm của hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (2015), Trung tâm thương mại Takashimaya (2016), Trường Âm nhạc & Nghệ thuật biểu diễn Erato (2017), Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (2017), Địa điểm lưu trú nghệ thuật A. Farm (2018), Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) (2021). Năm 2021, Triển lãm cá nhân đầu tiên của Đỗ Hà Hoài đã được tổ chức tại TOONG, bao gồm các chuỗi tác phẩm từ dự án “Dị ứng”. Năm 2022, Đỗ Hà Hoài đã tham gia các Triển lãm Điêu khắc “Trung điểm” do VCCA và VinWonders Nam Hội An tổ chức, Triển lãm Điêu Khắc Sài Gòn – Hà Nội lần thứ 7, Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế Hanoi Art Connecting 5, Triển lãm “Cảnh Quan Rạn Nở” của Hoa Tay Space.

“Khi một bức tượng điêu khắc truyền thống được sản xuất ra các chất liệu bê tông, đồng, đá, gỗ, sắt, gốm, nhựa,… Tôi kết hợp các chất liệu đó với chất liệu Foam nở. Foam là một loại chất liệu mang hai trạng thái: lỏng và rắn, chịu tác động mạnh mẽ dưới các điều kiện khác nhau của môi trường để đi đến hình dạng sau cùng. Đặc tính không thể kiểm soát này của Foam làm tôi mường tượng đến sự bất định trong hình dạng của những dị ứng, trên cơ thể mình như trên mọi sự vật. Nguồn gốc của những dị ứng ngẫu nhiên là minh chứng cho tính bất định của những dị nguyên trong và ngoài mỗi “cơ thể”. Tôi ví tôi là một “cơ thể”, ngôi nhà là một “cơ thể”, xã hội là một “cơ thể”, sự hiện diện là một “cơ thể” hay đức tin, suy cho cùng, cũng là một “cơ thể”. Tất thảy, đều phơi nhiễm trước những dị nguyên vô chừng.

Lấy cảm hứng từ cuộc sống vật lý và đời sống tinh thần cá nhân, về sự dị ứng thông qua trải nghiệm dị ứng khi ăn…bánh mì, dị ứng cơ thể có nét đồng điệu với những phản ứng của bản thể – khi xúc cảm con người bị kích động và xâm lấn bởi luồng thông tin vũ bão trên mạng xã hội trực tuyến. Thông qua đó, tôi khắc họa những thương đau thông qua việc hữu hình hóa những vết thương bằng điêu khắc. Bằng cách sáng tác về sự dị ứng vật lý, tôi muốn lột tả được những cảm thức về sự dị ứng của thân thể tinh thần.

“Dị Ứng Bên Trong” là một nỗ lực khắc họa trạng thái dị ứng tâm lý – những phản ứng thụ động của bản thể trước tác động của xã hội.

Nghệ sĩ Đỗ Trọng Quý

Đỗ Trọng Quý sinh năm 1994 tại Hà Nội, tốt nghiệp trung cấp Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và sau đó theo học và tốt nghiệp khoa Hội hoạ, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2020. Đỗ Trọng Quý bắt đầu cộng tác cùng Đông Phong Gallery khi còn đang học Đại học năm thứ 3. Sớm đã được tiếp cận với môi trường thực tế khi còn đang là sinh viên, Trọng Quý đã được tiếp xúc, trau dồi kinh nghiệm nghề nghiệp và lối sống của các thế hệ đi trước, qua đó hiểu được vị trí của bản thân và bối cảnh nghệ thuật từ lúc còn rất trẻ. Từ đó, Trọng Quý sớm đã hình thành được lối tạo hình và kỹ thuật cho riêng mình để phù hợp với bản thân, một người trẻ có trách nhiệm với bản thân và thế hệ của mình. Các thực hành của Đỗ Trọng Quý đa dạng về phương tiện và chất liệu. Năm 2021, Đỗ Trọng Quý có triển lãm cá nhân đầu tiên, “Mùa hè bất tận” tại Mơ Art Space. Hiện tại Quý đang học MFA tại Học viện Nghệ thuật Chicago, Mỹ.

Tác phẩm “Em bé đuổi theo bố” nằm trong chuỗi tác phẩm hài hước đen tối Landscape/Stillife 2020. Được thực hiện cùng phương pháp vẽ tĩnh vật truyền thống, tác phẩm miêu tả bé trai lái một chiếc máy cắt cỏ rượt đuổi theo bố của mình. Được lấy cảm hứng từ thần thoại Hy lạp theo tích Oedipus giết cha và lấy mẹ mình, tác phẩm nhấn mạnh sự chuyển giao quyền lực một cách thô bạo thông qua hình tượng chiếc máy cắt cỏ. Các nhân vật mang vẻ ngoài của xã hội hiện đại thông qua trang phục của họ, việc này nhằm mang lại tính liên đới với các vấn đề xã hội đương thời khi mà tỷ lệ ly hôn ngày càng cao. Các đứa trẻ sử dụng bạo lực như một giải pháp tâm lý nhằm thay thế vị trí của người cha.

Một Phước Lành.

Tác phẩm được trưng bày dưới hình thức của một tác phẩm điêu khắc. Mô hình đầu rùa thực hiện bằng scan Lidar theo tỷ lệ thực sau đó tạo khuôn và đổ bằng xà bông tắm. Tác phẩm khuyến khích người xem xoa đầu rùa và được kỳ vọng sẽ bị ăn mòn toàn bộ sau lịch trình Triển lãm Hà Nội – Sài Gòn.

Tôi chọn chất liệu xà bông tắm bởi nó mang mùi hương và với tôi mùi hương lưu giữ ký ức một cách toàn vẹn nhất. Ngoài ra, chất liệu này mang tính thân mật bởi nó tương tác trực tiếp với da thịt chúng ta hàng ngày. Tốc độ bị ăn mòn sẽ được tăng lên khi so sánh với đầu rùa đá nguyên bản. Điều này nhấn mạnh quan điểm của tôi về tính tồn tại vô thường của một vật thể được cho là nghệ thuật. Đồng thời, chúng đặt ra các câu hỏi có tính căn bản về đức tin và các tác động của nó đến môi trường xung quanh.

* Photo credits: Mắt Bét, Đinh Phúc Thịnh, Trần Thảo Miên

Similar Articles

NO COMMENTS

Leave a Reply