Sách “Điểm đến của cuộc đời” – Những câu chuyện lay động...

Sách “Điểm đến của cuộc đời” – Những câu chuyện lay động và bài học cho cuộc sống từ sự chết và cái chết (Kỳ 3)

Đăng vào
0
Ảnh: Nhã Nam

“Điểm đến của cuộc đời” – tác giả Đặng Hoàng Giang

HÀ VÀ NAM – Kỳ 3

(Xem kỳ 1kỳ 2)

Hà gặp Ánh trong Khoa Nhi vào giữa năm 2015, khoảng thời điểm Nam bị cắt chân. Ánh thua Hà một tuổi. Vinh,(1) con trai thứ của Ánh, hơn Nam một tuổi. Gia đình Ánh cũng ở Hà Nội. Khác với nhà Hà, vợ chồng Ánh hòa thuận.

Vinh nhập viện muộn hơn Nam nửa năm, và cũng mất sau Nam nửa năm.

Sau khi Vinh chết, gia đình Ánh đóng cửa cửa hàng ở phố cổ, và đưa Ánh đi chơi cho khuây khỏa. Mũi Né, Nha Trang, Phú Quốc. Trong ảnh, cô luôn là người cầm gậy selfie.

Nhìn ảnh sẽ khó để đoán được những điều cô vừa trải qua. Tóc cô vén sau tai gọn gàng, mắt không bị thâm quầng, da vẫn trắng, môi đánh son sắc nét, áo lụa đen hở vai lượt là, chuỗi ngọc trai đeo trước ngực, kính râm cài trên trán.

Nhưng mặt cô lạnh băng. Trông cô như Nữ hoàng Băng giá.

Mấy năm trước, cô hay đăng ảnh và video của con, và giờ đây, chức năng Ngày này cách đây x năm của Facebook làm ruột gan cô tan nát. Hàng đêm, cô ôm thằng người nhện nhồi bông của Vinh để ngủ, nó to gần bằng một đứa trẻ, cho tới khi chồng cô phải giật nó ra khỏi tay cô. Nhà Ánh ở ngay cạnh trường học, hàng ngày lũ trẻ ồn ào kéo qua. Cô hình dung Vinh chỉ đang đi chơi ở đâu đó. “Thôi chơi thế đủ rồi, hãy về với mẹ đi con.” Ánh kêu lên. “Mẹ nhớ con lắm, về với mẹ đi con.”

Hà kể với tôi là Vinh hóm hỉnh, tinh tế, tài hoa, “chứ không tồ như Nam”. Khi mặc áo, cậu so cho hai vạt áo đều nhau. Khi xắn tay áo, cậu chỉnh cho hai bên cánh tay bằng nhau. Tôi đã xem mấy clip của cậu, các bộ quần áo bệnh nhân của cậu luôn có họa tiết và phối màu rất đẹp. Cậu có giọng hát dịu dàng, và vẫn nhún nhảy nhẹ nhàng theo nhạc, kể cả khi đã gầy tong teo vì bệnh. Hà chép miệng khi kể với tôi, “Những người như thế là ở cõi âm người ta cũng thích lắm.”

Trước khi chết mấy tuần, Vinh còn đòi ra biển. Nhà Ánh mang theo một bình ô xy nhỏ trong xe. Ở Hà Nội, Hà hồi hộp theo dõi chuyến đi.

Cuối tháng Bảy năm nay, Ánh đăng ảnh mình cùng chồng và cậu con trai lớn đi chơi đêm ở đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn. Chị viết, “Tôi yêu gia đình nhỏ này.” Ánh đã bắt đầu gượng dậy được, Hà thầm hy vọng.

Hai tuần sau, một con sóng mới tràn tới. Ánh viết trên Facebook, “Ngày mai là tròn một năm mẹ con mình xa nhau. Mẹ nhớ con trai mẹ nhiều lắm. Nếu phải làm gì để con trai quay về bên mẹ thì mẹ cũng làm. Nhớ con cồn cào. Nhiều khi không muốn tin đó là sự thật.”

Câu cuối của chị là, “Giá như mẹ bị mất trí nhớ, giá như mẹ bị điên……..”

“Hóa ra đau buồn là một nơi chốn mà không ai trong chúng ta biết được, cho tới khi chúng ta tới đó. Trong phiên bản về đau buồn mà chúng ta hình dung, mô hình có tên là ‘chữa lành’. Những ngày tệ nhất sẽ là những ngày đầu tiên. Khoảnh khắc thử thách nhất với chúng ta sẽ là đám tang, sau đó, quá trình hàn gắn sẽ bắt đầu.” Tôi trở đi trở lại với cuốn hồi ký của Joan Didion, mong muốn đi sâu vào những vận hành tâm lý đằng sau nỗi đau buồn. “Chúng ta không thể biết trước là mọi thứ sẽ không như vậy. Chúng ta không thể nhìn ra (và đây chính là điểm khác biệt giữa nỗi đau buồn như chúng ta hình dung và nỗi đau buồn trên thực tế) sự thiếu vắng không có hồi kết, sự trống rỗng, sự đối nghịch hoàn toàn của trạng thái có ý nghĩa, sự nối tiếp không ngừng nghỉ của những khoảnh khắc mà chúng ta phải đối mặt với trải nghiệm của chính sự vô nghĩa.”

Hai ngày sau, Ánh tước đi cuộc đời của chính mình.

Con sóng cuối cùng đã nhấn chìm chị. Chị đã đầu hàng trước sự thiếu vắng không có hồi kết và những khoảnh khắc không ngừng nghỉ của sự vô nghĩa.

Hà hẹn tôi ở buổi lễ hỏa táng của Ánh. Buổi sáng tháng Tám hôm đó, Đài hóa thân Hoàn Vũ như một công trường xây dựng lớn. Người ta bận rộn chọn hòm tiểu sứ, ký tá các loại giấy tờ, tất bật tìm đám tang của mình, rồi đứng sát nhau, hút thuốc lá chờ đợi, ai cũng sũng mồ hôi trong những chiếc áo sơ mi đen giống hệt nhau, vì đều là áo đi thuê. Không khí đặc quánh và đầy khói, nhưng không phải từ lò hỏa thiêu mà là từ cái am đốt vàng mã lớn đặt ở sân.

Xe tang chở gia đình Ánh tới. Chị gái Ánh loạng choạng bước xuống, quần bò bó sát người, sơ mi đen thuê, mặt nhợt nhạt. Một cô gái đỡ chị ngồi bệt xuống bậc thềm, tay kia quạt liên tục vào mặt chị. Một phụ nữ khác chải và búi lại mái tóc rất dày và rất đẹp của chị, rồi quấn lại khăn tang cho chị. Chị để mọi người muốn làm gì thì làm, chỉ cố giữ thẳng cái đầu ngật ngưỡng. Chồng và con trai lớn của Ánh vẫn ngồi cạnh quan tài trên xe, mặt ráo hoảnh, ngó ra ngoài cửa sổ, nhìn mà không thấy gì. Hà kể là tối hôm trước hai bố con đem bát cơm tới bên quan tài của Ánh ở nhà để “ăn bữa cuối cùng với cô”.

Buổi lễ chỉ kéo dài vài phút. Theo tục lệ, bố mẹ Ánh không được phép có mặt. Một người trong họ nói lời cảm ơn. Khi ông kết thúc, giai điệu Hồn tử sĩ vang lên bi tráng chừng mươi giây. Tôi đã nghe nó trong một tang lễ từ thập kỷ 1990. Trong hai chục năm qua, nó đã được cử lên cho bao nhiêu triệu người?

Khách tang đi vòng quanh quan tài một lần cuối. Tiếng khóc của người nhà to dần lên. Họ bám vào nhau ở phía bên phải căn phòng, cách quan tài chừng hai mét.

Nhân viên tang lễ tuyên bố quan tài sẽ được đẩy vào bên trong.

Tiếng khóc than tăng lên một cung bậc.

Bức vách đằng sau quan tài tách ra làm đôi. Hai nhân viên bắt đầu đẩy quan tài vào.

Khung cảnh trở nên hỗn loạn. Nhiều giọng nữ thất thanh, “Chị ơi…! Chị ơi…!” Những cánh tay vươn ra, những bước chân ngập ngừng, như thể đằng trước là một dòng sông chảy xiết, người ta muốn bước lên để níu giữ một vật quý giá mà không thể.

Khi bức vách vừa khép lại, ngay lập tức ảnh của Ánh trên bàn thờ được lấy xuống. Chân dung người tiếp theo, cùng bát nhang và bát trứng khác, được đưa lên. Màn hình điện tử đổi tên người qua đời. Mọi người xô vào quạt cho mấy chị em của Ánh vừa quỵ xuống sàn. Không khí vẫn oi bức khủng khiếp. Ngoài sân, nhiều xe tang khác đã trực sẵn, cửa sau mở toang, để lộ các quan tài đang đợi tới lượt. Đây là nơi cái chết được xử lý đại trà, theo băng chuyền. Chết không phải là sự kiện riêng lẻ, người ta được nhắc nhở như vậy. Nó hằng hà sa số.

Trước khi về, tôi thấy chồng và con trai Ánh đứng cạnh nhau, trông như hai anh em. Thằng bé mười bảy tuổi đi chân đất. Họ không chạm vào nhau, mặt ngơ ngác như đang bị lạc.

“Sự khác nhau giữa Hà và Ánh là gì? Cùng đối mặt với thảm họa, vì sao Hà đi tiếp được, mà Ánh lại đầu hàng?” Tối hôm đó, khi những ấn tượng thị giác của đám tang đã lắng xuống, tôi tự hỏi, “Với tất cả những đau đớn, điều gì khiến Hà có thể bắt đầu phục hồi?”

(Hết kỳ 3)


* Chú thích:

1. Tên nhân vật đã được thay đổi.

Mua sách trực tiếp tại đây:

NO COMMENTS

Leave a Reply