Giải Nghệ sĩ xuất sắc 2021 của The Factory: Mạch nước ngầm...

Giải Nghệ sĩ xuất sắc 2021 của The Factory: Mạch nước ngầm của nghệ thuật

Đăng vào
0

Bài do Hà Bi thực hiện cho HanoiGrapevine
Hình ảnh cung cấp bởi The Factory
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Ngày 12/08 vừa qua, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory đã tổ chức lễ trao giải Nghệ sĩ xuất sắc năm 2021 thông qua hình thức trực tuyến. Đây là giải thưởng vinh danh nghệ sĩ có các thực hành nghệ thuật bền bỉ và sáng tạo, tổ chức năm đầu tiên tại Việt Nam. Thắng giải năm nay là nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai – một trong những gương mặt sáng giá có nhiều tác phẩm nổi danh trong và ngoài nước.

Giải thưởng Nghệ sĩ xuất sắc do The Factory tổ chức năm 2021.

Những mạch nước ngầm

Dịch bệnh làm hàng triệu người phải án binh bất động, hủy bỏ hoặc thay đổi mọi kế hoạch. Nếu số đông là con sông lộ thiên, gặp con đập bắt buộc đứng lại, thì có thể nói, nghệ sĩ là những mạch nước ngầm len lỏi dưới lòng đất, vẫn liên tục chảy trôi không ngừng nghỉ, và trở thành một phần quan trọng trong việc duy trì sự sống tinh thần và khao khát sáng tạo trên hành tinh này.

Trong vòng 05 năm trở lại đây, nghệ sĩ đương đại Việt Nam đã nhận được những chú ý đáng kể từ bạn bè quốc tế. Trong bối cảnh đó, một giải thưởng đủ uy tín ghi nhận đóng góp của nghệ sĩ mang tầm địa phương hoặc quốc gia sẽ góp phần nâng tầm giá trị của các thực hành nghệ thuật. Từ đó, Việt Nam sẽ tạo dựng được những chuẩn riêng để định danh, định tính nền nghệ thuật của mình, để từ đó bước vào sân chơi chung với thế giới. Đây cũng là điều mà đội ngũ The Factory ấp ủ nhiều năm qua.

Giải thưởng Nghệ sĩ xuất sắc ra đời trong bối cảnh đó, với mục tiêu vinh danh những nghệ sĩ luôn nỗ lực đổi mới trong chất liệu, tư duy sáng tác và có những đóng góp tích cực cho cộng đồng nghệ thuật địa phương. Giải thưởng tổ chức 02 năm một lần, năm nay là năm đầu tiên, với sự tham gia của hội đồng tuyển chọn và ban giám khảo đều là những người có kiến thức, kinh nghiệm sâu rộng như: giáo sư Roger Nelson, nhà sưu tập Tom Tandio, nghệ sĩ Trần Lương, giám tuyển Arlette Quỳnh-Anh Trần và Giám đốc Zoe Butt của The Factory.

Sau quá trình làm việc và lựa chọn, sáng 12/08, ban giám khảo đã công bố Nguyễn Thị Thanh Mai là người thắng giải thưởng này.

Tác phẩm ‘Vết tích’ từ hàng ngàn đôi giày, dép cũ, thuộc Dự án Những con sông đang biến đổi của Nguyễn Thị Thanh Mai.

Thành quả lâu năm

Với việc chiến thắng giải thưởng này, Nguyễn Thị Thanh Mai sẽ được nhận 160 triệu đồng tiền mặt, tổ chức một triển lãm cá nhân diễn ra tại The Factory và Trung tâm APD (Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật) vào năm 2022 và 2023. Trong buổi trao giải diễn ra trực tuyến, Thanh Mai rất xúc động chia sẻ: “Giải thưởng này khiến tôi nhớ về quãng thời gian thiếu thốn khi bắt đầu hoạt động nghệ thuật. Khi đó, nhờ có các quỹ văn hóa, trung tâm nghệ thuật hỗ trợ, tôi và các anh chị em nghệ sĩ cùng thế hệ mới có bệ đỡ để đi tiếp trên con đường này”.

Là một nghệ sĩ rất chịu khó tìm tòi, Thanh Mai sử dụng nhiều vật liệu, kĩ thuật đa dạng trong các tác phẩm của mình. Đó có thể là những bức hình đổ giấy than, mô tả lại những tượng đài chiến thắng; những thước phim tài liệu chân thực, nhiếp ảnh hay thậm chí là những trái ớt, hạt đậu nành bọc trong túi nilon hút chân không… mô tả những số phận, những cuộc đời con người. Thanh Mai chú tâm đi, nhìn, gặp và đồng cảm với những người yếu thế trong xã hội, dùng nghệ thuật làm công cụ để quan sát và truy vấn bản thân. Từ đó, cô định vị mình trong một tổng thể rộng lớn mang tầm thời đại.

Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Nghệ thuật Thị giác tại Đại học Mahasarakham, Thái Lan, Thanh Mai hiện đang giảng dạy nghệ thuật đồ hoạ tại trường Đại học Huế, song song với sáng tác và tổ chức nhiều sự kiện nghệ thuật. Một trong số những sự kiện có tiếng vang là Nổ Cái Bùm – tuần lễ nghệ thuật do cô điều hành diễn ra lần đầu tại Huế năm 2020. Thanh Mai cũng đang hoàn thiện dự án nghệ thuật Bờ Thành xoay quanh các đối thoại về quy hoạch, di sản, ký ức người dân khi có đề án di dời dân cư trong khu vực Kinh thành Huế.

Thanh Mai trong một dự án.

Có một điều thú vị ở giải thưởng Nghệ sĩ xuất sắc năm nay là có đến 3 nghệ sĩ là người Huế, bên cạnh 4 nghệ sĩ từ Hà Nội và 1 từ Ninh Bình. Nguyễn Thị Thanh Mai, người thắng giải Nghệ sĩ xuất sắc năm nay cũng đến từ Huế. Lý giải về việc Huế tuy không phải là trung tâm văn hóa xã hội sôi động như Sài Gòn hay Hà Nội, nhưng lại quy tụ nhiều nghệ sĩ tài năng, bà Zoe Butt, giám đốc The Factory cho rằng: “Huế có những sự kiện mang tầm quốc tế, nơi đón tiếp rất nhiều tên tuổi trên thế giới tới giao lưu. Đồng thời, tôi đánh giá cao việc khoa Mỹ thuật của Đại học Mỹ thuật Huế có nhiều hoạt động trao đổi sôi nổi với các viện nghiên cứu nghệ thuật, các nhóm thực hành nghệ thuật quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cho nghệ sĩ”.

Nghệ sĩ Trần Lương thì cho rằng: “Thế hệ của Thanh Mai hoạt động rất sôi nổi, tổ chức thành các nhóm, các trung tâm nghệ thuật phi lợi nhuận, người trước hỗ trợ người sau. Thành quả này là trồng cây lâu năm mà có chứ không phải ngẫu nhiên”.

Có thể thấy, sự hỗ trợ lẫn nhau và liên tục trao đổi, giao lưu ra thế giới, cùng với nội lực là yếu tố giúp Thanh Mai và thế hệ mình đi xa hơn trong hành trình nghệ thuật. Giải thưởng Nghệ sĩ xuất sắc của The Factory có lẽ không nằm ngoài mục tiêu đó.

NO COMMENTS

Leave a Reply