Trình diễn và triển lãm nhiếp ảnh Cyanotype “Tả Thanh Thiên”

Trình diễn và triển lãm nhiếp ảnh Cyanotype “Tả Thanh Thiên”

09:30 – 10:30, Thứ bảy 12/11/2022: Trình diễn Cyanotype trước công chúng*
Tượng đài Cảm tử
12 – 18/11/2022: Triển lãm
Số 2 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Thông tin từ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022:

Tên của tổ hợp trình diễn – triển lãm “Tả Thanh Thiên” được lấy từ chính dòng chữ nổi tiếng trên thân Tháp Bút mà nhà văn hoá Nguyễn Văn Siêu tạo nên trong công cuộc cải tác cụm di tích “Đền Ngọc Sơn – Cầu Thê Húc – Tháp Bút – Đài Nghiên” năm 1865. Là một trí thức điển hình với sự uyên bác và đức độ, tài hoa, nhà văn hoá Nguyễn Văn Siêu đã tạo nên một tổng thể kiến trúc đăng đối, hài hoà giữa quần thể đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm. Tại vị trí núi Độc Tôn, ngài đã cho xây dựng một tháp đá hình cây bút lông dựng ngược, khắc ba chữ “Tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh), nay gọi là Tháp Bút. Bên cạnh đó, Nguyễn Văn Siêu còn cho xây Đài Nghiên – bên trên đỉnh là một nghiên đá có hình nửa quả đào đặt trên ba con thiềm thừ (con cóc) cùng một bài minh khắc chữ Hán. Theo tác giả Hoàng Đạo Thúy trong cuốn “Người và cảnh Hà Nội”, khi mặt trời mọc, bóng ngọn bút sẽ chấm vào nghiên mực.

“Tả Thanh Thiên” do đó mang ý nghĩa rất sâu sắc: Nó biểu trưng cho “chí nhớn” của người trí thức đương thời: đặt tầm vóc của mình sánh ngang với đất trời, luôn tìm cách vượt thoát khỏi hiện thực trần tục mà hoà mình với thiên nhiên, lãng mạn mà tự tôn về sự cao quý và thanh sạch của con chữ và tri thức. Dòng chữ đi cùng với Tháp Bút là biểu tượng văn vật của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội.

Nhà văn hoá Nguyễn Văn Siêu được đánh giá là một người Hà thành kiệt xuất, là một trong những vẻ đẹp văn hóa của tri thức Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XIX, được người đời tôn là “Thần Siêu”. Khi tìm hiểu về hồ Gươm, nghệ sỹ Nguyễn Kim Long nhận ra tinh thần và ý niệm của vẻ đẹp văn hoá ấy vẫn còn nằm ngay tại đây. Vậy nên, trình diễn và triển lãm của Kim Long là một cách để người nghệ sĩ bày tỏ lòng tôn kính và tình yêu của mình đến với Thần Siêu, với Hà Nội. Với chất liệu chính là cyanotype, tác giả ghi lại chủ thể là bàn tay của những người đang công tác và đóng góp trong lĩnh vực sáng tạo và những mẫu vật, hoa cỏ họ thu thập được xung quanh hồ Gươm.

Cyanotype (Kĩ thuật in đơn sắc xanh) là một trong những kỹ thuật in lâu đời nhất trong lịch sử nhiếp ảnh. Được phát hiện bởi nhà thiên văn học người Anh – John Herschel năm 1842 với mục đích lưu trữ ghi chú và tài liệu, sau được nhà thực vật học – nhiếp ảnh gia Anna Atkins phát triển, trước hết được sử dụng để minh hoạ cho album ảnh về thực vật. Cyanotype không chỉ tạo ra những bản in đẹp mắt, dễ thực hiện mà giá thành còn phải chăng và bền bỉ với thời gian. Hỗn hợp hóa học dùng trong cyanotype gồm ferric ammonium citrate (muối citrate của amoni và sắt) và potassium ferricyanide (muối xyanua của kali và sắt). Hỗn hợp muối sắt này sau đó được quét lên mặt giấy, lụa,…rồi phơi khô nơi tối. Khi được chiếu sáng, tia UV từ ánh mặt trời sẽ phản ứng với hóa chất làm hiện ảnh lên giấy. Bản in sau đó được rửa sạch với nước để xả hết muối sắt dư và phơi khô. Sau khi được phơi, những bản in cyanotype sẽ có một màu xanh dương đậm đặc thù, gọi là màu xanh Phổ (Prussian Blue).

Tác giả và người dẫn dắt: Nghệ sỹ Nguyễn Kim Long.
Giám tuyển bởi nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn

Nghệ sĩ Nguyễn Kim Long hiện đang là một Nhiếp ảnh gia ẩm thực, Nghệ sĩ thủ công & đa chất liệu tại Hà Nội. Anh từng đạt nhiều giải thưởng về nhiếp ảnh và có nhiều triển lãm trong và ngoài ngước: Giải Tân Thủ và triển lãm tại Cuộc thi Ảnh Yosakoi Nhật Bản năm 2013, Giải Nhì cuộc thi ảnh Việt Nam – Japan Youth năm 2018, Giải Nhất cuộc thi nhiếp ảnh ẩm thực Sony năm 2021. Năm 2022, series tác phẩm “The light we cannot see” – Cyanotype của anh được trưng bày trong triển lãm “Bóng Dó” tại viện Goethe Hà Nội. Ngoài ra, anh Long còn hợp tác cùng Giấy Dó Ngô Đức thực hiện chuỗi workshop “Những Làn Sống” vào tháng 10/2022.

* Khi tham gia sự kiện, khán giả cần chú ý:
– Tôn trọng tác phẩm, không làm hư hại tác phẩm
– Thoải mái hỏi thăm, nói chuyện với tác giả; chia sẻ suy nghĩ của bản thân
– Sẵn sàng tham gia khi tác giả cần sự giúp đỡ, hỗ trợ làm tác phẩm

* Những tác phẩm được hoàn thiện trong sự kiện trình diễn lần này sẽ được lưu giữ và trưng bày tại không gian triển lãm tại số 2 Lê Thái Tổ.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 do Sở Văn hoá và Thể thao TP Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) phối hợp tổ chức cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội; Chương trình định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat và Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 đặt trọng tâm vào chủ đề Thiết kế & Công nghệ,với trên 40 hoạt động, sự kiện diễn ra ở các địa điểm khác nhau trong khu phố cổ Hà Nội, khu phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và một số không gian sáng tạo trên địa bàn Thành phố trong thời gian Tuần lễ từ 11/11 đến 20/11/2022. Một số hoạt động trưng bày sẽ kéo dài đến hết tháng 2/2023.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022
[email protected]
Facebook
Youtube
Youtube

NO COMMENTS

Leave a Reply