Home Ý Kiến KVT – Trong bóng tối trên cầu Đuống

KVT – Trong bóng tối trên cầu Đuống

Đăng vào
0

Tối thứ năm vừa rồi không khí thật nhớp nháp. Nửa vầng trăng vằng vặc chiếu thứ ánh sáng màu vàng catmi đậm qua lớp sương khói mà tưởng như có thể dùng dao cắt thành những tảng lớn màu khói để dựng một túp lều nhem nhuốc, tăm tối. Khi đạp xe qua cầu Chương Dương, bạn sẽ cảm thấy như mình có thể tóm được không khí, nắm nó trong tay và nặn thành những quả bóng rồi ném xuống sông Hồng để chúng trôi nổi như những thứ đồ trang trí đã cáu bẩn. Đạp xe qua những con phố và ngõ nhỏ ở Gia Lâm mà như đang giữa một cảnh đêm trong thơ Dante* của địa ngục công nghiệp. Đi xuyên qua những tấm màn không khí nhớp nháp màu khói xám, bạn sẽ thấy bóng người xuất hiện, trông như những hồn ma đang nhe răng cười, khi ánh đèn đường hắt sáng vào những người bán hàng theo những mảng màu cam hoá học.

Vậy tại sao chúng tôi lại bất chấp cái không khí gần như ngột thở ấy – thứ không khí mà nếu lỡ nuốt phải bạn sẽ cảm thấy như mình đang hít phải luồng hơi nồng nặc từ quạt thông gió của một cửa hàng ăn nhanh bẩn thỉu? Bởi vì tôi đã quyết tâm đi đến OM-Studio! Đó là một xưởng bằng thép nằm trong một khu công nghiệp phù hợp (phù hợp là vì nó hoàn toàn khớp với cái cảm giác khủng hiếp mà không khí của đêm ấy) nằm phía bên kia sông Đuống và có nguy cơ làm ô nhiễm dòng sông này.

Vậy chuyến đi này có đáng không, đặc biệt khi phải vượt qua những đường vòng quanh co tối mò và những con đường tồi tàn ngang qua sông dẫn tới thị trấn Yên Viên?

Chắc chắn là có rồi!

Tôi luôn háo hức chờ xem tác phẩm của những hoạ sĩ tự nhận là “nổi tiếng” như được quảng cáo trên các tài liệu PR của họ. Tôi hơi bối rối nhưng cũng thấy tò mò khi người trông xe đưa tôi một chiếc đèn pin nhựa nhỏ và chỉ tôi đến một đám đông nhỏ đang đứng túm tụm quanh một vùng ánh sáng ở cuối một cái xưởng tối và tồi tàn.

Thứ nhạc kiểu tiếng ồn độc đáo do hai anh chàng tài năng và cuồng nhiệt thể hiện, đã khuấy động và lướt đi giữa cái nóng nực tối tăm và dày đặc ấy. Và một nữ nghệ sĩ trình diễn đang lắc mình trong một điệu belly dance có thể khiến tất cả những người đang muốn trở thành hoặc đã tự nhận là nghệ sĩ múa bụng cũng phải tự thấy tủi thẹn. Nếu bạn có ý định thuê một nghệ sĩ múa bụng đẹp kỳ lạ (đôi khi là gợi tình – tuỳ theo sở thích của bạn là gì) cho một sự kiện nào đó thì nhớ thuê cô này nhé. Cô ấy uốn, lắc nhanh và lâu hơn, đồng thời cũng không kém phần khêu gợi so với những vũ công chuyên nghiệp cao cấp ở Ankara.

Đến giờ chắc bạn đã nhận ra là những nghệ sĩ này đều không được nêu tên. Không hề có tên trên các tác phẩm, cũng không thấy có tiêu đề nào. Khi bạn đi vào không gian tối đen bên trong của nhà xưởng bằng tôn ấy và trượt đi trên con đường lát bằng những tấm bìa cứng trơn tuột – vốn là một phần trong một sắp đặt khá hay mà có thể có liên quan hoặc không tới những tảng mỡ – bạn sẽ cố gắng bật chiếc đèn pin, xác định phương hướng và nhận ra rằng có một vài sắp đặt được bố trí rải rác xung quanh, chúng đang mời chào bạn ngắm với sự trợ giúp của nguồn sáng trên tay.

Sau khi va vào một vài bóng nguời và tóm lấy một hai cánh tay trong lúc bước trên tấm bìa ươn ướt đó, tôi tìm thấy trong bóng tối hai tác phẩm rất tuyệt. Tôi rất vui vì đã được thấy một tác phẩm thực sự rất thú vị được tạo thành từ những hình dạnh như chiếc gối được khâu và khắc thành, được nối với những phụ kiện bên ngoài một cách lỏng lẻo bằng chỉ, và được kết nối bên trong với những viên than hình trụ thường được dùng cho các bếp than di động. Tôi đoán tác giả của nó là Virginie Faivre d’Arcier vì tôi vốn rất thích tác phẩm của cô (và đây là tác phẩm xuất sắc nhất từ trước đến giờ!). Tôi thực sự rất vui vì đã kịp có những giây phút thốt lên “ô”, “a” khi xem tác phẩm trước khi một khán giả kém may mắn nào đó bị trượt chân, nghiêng người để lấy lại thăng bằng và làm đổ cả một công trình đẹp đẽ.

Tác phẩm thứ hai cuốn hút tôi là một thứ có phần hơi bạo lực nhưng thực sự rất thuyết phục gồm hai bức tượng nhỏ bằng gốm sứ của hai cô gái trẻ trong trang phục truyền thống ngồi trên những chiếc ghế chất đầy những kén tằm chưa quay. Một con dao rựa đáng sợ gần như bổ đôi đầu của một người phụ nữ, và được treo lơ lửng để chém mạnh vào cổ của người còn lại. Một lưỡi dao đâm phập qua bức tường thép.

Những tác phẩm còn lại cũng đầy tiềm năng và nếu như tôi đã có nhiều thời gian hơn và sẵn sàng ra đường bất chấp cái nóng thiêu đốt thì có lẽ tôi đã quay lại đó vào ban ngày để dành thêm nhiều thời gian với chúng hơn và khám phá những câu truyện mà chúng muốn chuyển tải. Có thể nhận ra phong cách của đôi ba nghệ sĩ “tên tuổi” trong một số tác phẩm và tôi thích điều này.

Tôi nghĩ là trong chương trình cũng có những tác phẩm trình diễn khác nhưng vì có hẹn nên chúng tôi trả lại đèn pin cho người trông xe và thực hiện hành trình trở về trong lớp không khí dày đặc và dưới ánh đèn tù mù. Đèn đường hắt ra thứ ánh sáng lờ mờ trông như những dải từ trường quanh những cây cột gắn tên phố và những toà nhà khi chúng tôi đi dọc con đường đê sông Đuống xóc nẩy để trở lại với đường phố nội thành Hà Nội. Trong một đêm như thế, cần có một nhiếp ảnh gia với kiểu tư duy như Hogarth** mới có thể nắm bắt hết được vẻ đẹp khắc nghiệt và hại phổi của những con phố này.

Chúc mừng tất cả những nghệ sĩ ẩn danh đã tham gia triển lãm ở OM. Tôi rất thích lần trải nghiệm này và đang mong chờ đến triển lãm tiếp theo.

Xin lỗi các bạn độc giả vì bài bình luận lần này không có hình ảnh minh họa….nhưng quả thực chỗ đó quá tối!

Lời người dịch:
* Dante: tức Dante Alighieri (1265-1321) là một nhà thơ, nhà thần học người Ý.
** Hogarth: tức William Hogarth (1697 – 1764) là một hoạ sĩ, nhà phê bình và nghệ sĩ biếm họa người Anh.

Không phải nhà phê bình, “Kiếm Văn Tìm” là một người quan sát hay một con người có hiểu biết thú vị và công tâm về nghệ thuật Hà Nội, người đưa ra các chính kiến của mình và là một đặc phái viên báo chí giấu tên trung thực và công bằng. Xin hãy đưa các ý kiến của bạn vào phần bình luận dưới đây.

NO COMMENTS

Leave a Reply