Trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam”

Trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam”

Posted on
0

18/01 – 31/08/2022
Bảo tàng Lịch sử quốc gia
số 1 Tràng Tiền, Hà Nội

Thông tin từ ban tổ chức:

Chào mừng năm mới, Xuân Nhâm Dần 2022, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Khu di tích Lịch sử Đền Hùng và một số sưu tập tư nhân tổ chức trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam”.

Hình tượng hổ có lịch sử lâu đời trong văn hoá Việt Nam. Các tài liệu liên quan chứng minh, hổ là đối tượng sùng bái và là vật tổ của nhiều bộ tộc từ thời tiền sử. Cách ngày nay trên 2.000 năm, hình tượng hổ bước vào mỹ thuật trên các đồ đồng Đông Sơn, với quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, oai linh của loài vật này. Cùng với diễn trình lịch sử, văn hoá Việt Nam, hình tượng hổ có những diễn biến và ý nghĩa tương ứng, từ ý nghĩa tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng, biểu tượng vương quyền đến những vật dụng, trang trí đời sống sinh hoạt thường nhật trong dân gian; tạo hình, phong cách, ứng dụng, ý nghĩa của mỗi thời đại cũng tồn tại những khác biệt. Hình tượng hổ đã đồng hành và đóng góp những nét đặc sắc với phức cảm thẩm mỹ vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Với trên 30 hiện vật và các tài liệu, hình ảnh chọn lọc, trưng bày giới thiệu với công chúng những tác phẩm nghệ thuật tạo hình hổ đặc sắc trải dài trên 2.000 năm của lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam” được thể hiện theo niên đại kết hợp loại hình, gồm các nội dung:

Hổ trong nghệ thuật thời Đông Sơn

Hình hổ săn hươu và người săn hổ đã xuất hiện trong trang trí trên mặt và tang những trống đồng Đông Sơn tìm được ở Kai và Sangeang (Indonesia) được H.R.Van Heekeren mô tả trong công trình “The Bronze-Iron age of Indonesia” được xuất bản năm 1958. Những chiếc trống này đều có nguồn gốc từ văn hoá Đông Sơn và đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Indonesia.

Chiếc qua đồng được L.Pajot sưu tầm tháng 7 năm 1921 và sau đó đưa về Bảo tàng Louis Finot, trên cả 2 mặt có hình hổ với những chấm trên thân. Đợt thám sát khảo cổ học năm 1972 tại di chỉ Lãng Ngâm (Gia Bình, Bắc Ninh) của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đã phát hiện ra nhiều tấm đồng trổ thủng mang hình hổ và hươu.

Ngoài những hình hổ trang trí bằng hoạ tiết chìm, người Đông Sơn còn thể hiện hình tượng hổ thông qua việc tạo ra những khối tượng tròn như: bốn khối tượng hổ cắp mồi rất sinh động trên nắp thạp đồng Vạn Thắng (Cẩm Xuyên, Phú Thọ), tượng hổ kết hợp với rắn, voi trên chuôi dao găm Đông Sơn khai quật tại di chỉ Làng Vạc (Nghệ An)… Nghệ thuật điêu khắc, trang trí ở đây vừa mang tính tả thực vừa mang tính ước lệ, thể hiện sinh động sức mạnh bí ẩn của loài vật này.

Sự xuất hiện hình ảnh hổ trong nghệ thuật Đông Sơn có liên quan đến quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, oai linh của loài vật này, cũng như có thể liên quan đến tín ngưỡng thờ vật tổ, tín ngưỡng vạn vật hữu linh của cư dân thời kỳ này. Sự tôn thờ này còn tồn tại khá phổ biến ở một số vùng, dân tộc đến tận ngày nay.

Hổ trong nghệ thuật 10 thế kỷ đầu Công nguyên

Cách ngày nay trên 2.000 năm, văn hoá Việt Nam tiếp thu ngày một sâu rộng các yếu tố văn hoá Trung Hoa. Hình tượng hổ theo đó cũng có những chuyển biến về tạo hình, ý nghĩa, nội hàm văn hoá. Hình tượng hổ thời kỳ này bắt đầu xuất hiện gắn với các quan niệm về Tứ Tượng hay còn gọi là Tứ Linh, Tứ Thần Thú: Thanh Long (phương Đông), Bạch Hổ (phương Tây), Chu Tước (Phương Nam), Huyền Vũ (Phương Bắc). Các thần thú này còn đại diện cho các khía cạnh khác như: 4 mùa trong năm, các đức tính, các nguyên tố trong tự nhiên, vị trí của các chòm sao trong thiên văn học thời cổ. Hổ trở thành một biểu tượng trong các thần thú mang ý nghĩa tâm linh, tôn giáo do vậy về cấu tạo, thể hình, biểu hiện xa rời hình ảnh của hổ trong thực tế. Trí tưởng tượng và tư duy thẩm mỹ tạo hình thời kỳ này chú trọng vào sự hài hoà, các đặc điểm cơ thể của loài hổ chủ yếu được tập trung từ phần đầu đến trước ngực và vị trí từ mông đến chân sau bao gồm cả đuôi, toàn thân gấp khúc như hình chữ “S”. Tạo hình thẩm mỹ mang tính thận trọng và uyển chuyển, kết hợp với các biểu tượng mang tính chất thiêng hoá thể hiện niềm tin và sự tôn kính đối với hổ.

Ở chiều ngược lại, trong các thời gian và không gian văn hoá khác, hổ không còn được coi là biểu tượng của sự sợ hãi và tôn thờ sức mạnh hay quyền lực siêu nhiên; hình tượng hổ còn có xu hướng bị bắt chước và sử dụng. Trong các trường hợp này, tạo hình thường thiếu sự phối hợp và hài hoà trong hình thức về mặt tỷ lệ, tạo hình các bộ phận cơ thể không theo quy luật thẩm mỹ. Tuy nhiên, chính sự khác biệt về ý thức thẩm mỹ giữa hình tượng hổ của các thời kỳ, trong các ứng dụng sinh hoạt khác nhau đã chỉ rõ quy luật và nguồn gốc, diễn biến của hình tượng hổ trong lịch sử xã hội và văn hoá của mỗi thời đại.

Hổ trong nghệ thuật Thế kỷ 10 – 20

Tượng hổ trong các lăng mộ thế kỷ 13 – 18

Từ thế kỷ thứ 10, Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng các triều đại phong kiến tự chủ. Các triều Đinh (968 – 980), đặc biệt triều Lý (1009 – 1225), công cuộc xây dựng đất nước được đẩy mạnh với nhiều dấu ấn sâu đậm trên mọi phương diện văn hoá, tôn giáo, pháp luật, kinh tế, chính trị… Với hơn 200 năm tồn tại, nhà Lý đã đưa đất nước trở nên cường thịnh, củng cố nền tự chủ, thúc đẩy văn minh Đại Việt phát triển hùng mạnh. Sử sách ghi chép nhiều chuyện có liên quan đến hổ như nuôi hổ, đấu hổ để giải trí và trừng trị phạm nhân, Thái sư Lê Văn Thịnh hoá hổ… Dường như trong quan niệm đương thời, hổ đại diện cho cái ác, sự trừng phạt, tạo cảm giác ghê sợ, do vậy, cho đến nay chưa phát hiện được hình tượng hổ nào trong nghệ thuật của thời kỳ này.

Từ thời Trần (1225 – 1400), hổ xuất hiện với tạo hình khoẻ khoắn, sinh động, thể hiện sự dũng mãnh, oai phong, đồng thời được coi như linh thú trấn yểm, bảo vệ các lăng mộ. Tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ (Hưng Hà, Thái Bình) và lăng vua Trần Hiến Tông (Đông Triều, Quảng Ninh) là các tác phẩm điêu khắc hiếm hoi còn lại của thời Trần, mở đầu cho truyền thống đặt tượng ở hai bên trục thần đạo tại các lăng mộ.

Khu lăng mộ các vua Lê ở Lam Kinh (Thanh Hoá) cho biết những thông tin chính xác hơn về quy mô, cấu trúc của các lăng tẩm hoàng gia thời phong kiến. Các lăng này thường có 10 pho tượng với kích thước nhỏ (khoảng 110cm đối với tượng người và 60cm đối với tượng thú), chia làm 5 đôi gồm: quan hầu, lân, tê giác, ngựa, hổ. Ở một số lăng muộn hơn, tượng voi thay cho tượng hổ còn các tượng khác vẫn giữ nguyên. Một đặc điểm nổi bật, dễ nhận thấy là các pho tượng lăng mộ thời Lê Sơ có sự sắp xếp, bố cục và kích thước gần như bằng nhau ở các lăng mộ. Điều này phần nào bộc lộ tính khuôn thước, mẫu mực theo tinh thần Nho giáo. Các lăng đều có quy mô nhỏ, do đó, tượng đặt ở lăng cũng không được quá lớn. Các tượng nói chung và tượng hổ được thể hiện đơn giản ở cách tạo dáng, khối, đường nét nhưng vẫn giàu tính biểu cảm.

Thời Lê – Trịnh (thế kỷ 17 – 18) với sự nới lỏng trong việc ban phong chức tước và hậu đãi với tầng lớp quan lại là thời kỳ nở rộ của các loại hình kiến trúc lăng mộ. Tại quê hương các danh tướng triều Lê – Trịnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hoá, quần thể lăng mộ các tầng lớp quan lại được xây dựng to lớn với hệ thống điêu khắc dày đặc. Hầu hết chủ nhân các lăng mộ đá thời Lê – Trịnh là quan thái giám – quận công. Triều Lê – Trịnh đã đặt ra nhiều quy chế nghiêm ngặt trong việc xây cất lăng mộ, nhưng sự tiếm quyền của các vị công thần đã dẫn đến nhiều lăng mộ đồ sộ cả về quy mô kiến trúc và điêu khắc. Tượng hổ tại các di tích này thường được làm với kích thước lớn, khối hình chau chuốt mang tính tả thực cao. Vị trí của tượng hổ tại các lăng mộ được đặt ở ngoài cùng, nhiều trường hợp được đặt ở vị trí ngoài tường bao, cách khá xa các cặp tượng voi, ngựa, quan hầu khác. Như vậy, hổ được coi như hộ môn thú, canh gác cửa các khu lăng mộ.

Hổ trong nghệ thuật gốm

So với các linh vật như rồng, phượng, lân hoặc những con vật bình thường khác như chim, cá, vịt, hươu, ngựa… hình ảnh của hổ là xuất hiện khá hiếm hoi trên đồ gốm. Dù vậy, sự hiện diện của hổ trên đồ gốm khá sớm và có tính liên tục. Hổ xuất hiện sớm nhất trên các thạp gốm hoa nâu thời Trần, nổi tiếng với chiếc thạp hoa nâu khắc hình 3 con hổ đuổi nhau tại Bảo tàng Guimet (Paris, Pháp). Đến nay, có khoảng 10 chiếc thạp hoa nâu có hình hổ được lưu giữ tại các bảo tàng, sưu tập tư nhân trong và ngoài nước. Hồ trên thạp gốm hoa nâu được tạo hình khoẻ khoắn, sinh động, mang vẻ dũng mãnh khi rượt đuổi nhau hoặc rượt đuổi con mồi.

Hình tượng hổ cũng xuất hiện trên nhiều dòng đồ gốm khác, với phong cách tạo hình khác biệt, tạo nên những dấu ấn riêng, độc đáo và thú vị. Kết quả khai quật khảo cổ học ở tàu cổ Cù Lao Chàm (năm 1997 – 2000) và khai quật các lò gốm cổ vùng Nam Sách, Bình Giang (Hải Dương) cho thấy các loại đồ gốm xuất khẩu với loại hình phong phú, mỹ thuật đặc sắc, trong đó có nhiều tiêu bản gốm trang trí đề tài hổ như bình gốm hoa lam, kendy, đĩa gốm men lam và nhiều màu, đĩa gốm hoa lam, hộp gốm hoa lam… chứng tỏ hổ là một đề tài trang trí được các thợ gốm và những người đặt hàng ưa chuộng. Những hình hổ này hoàn toàn không mang các ý nghĩa tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng hay sự sợ hãi, sùng bái như các thời kỳ trước mà thường là các đồ án trang trí tươi vui, sinh động.

Hổ trong điêu khắc đình làng thế kỷ 16 – 18

Đình làng là công trình kiến trúc cổ truyền độc đáo của Việt Nam, bảo tồn khá trọn vẹn những đặc điểm nghệ thuật kiến trúc, đậm đà sắc thái dân gian. Thế kỷ 16 – 18 là thời kỳ nở rộ của kiến trúc đình làng; những chạm khắc trang trí trên đình làng mang giá trị nghệ thuật đặc sắc trong mỹ thuật cổ Việt Nam. Hổ là một đề tài ưa thích trong các bức chạm trên kiến trúc gỗ đình làng. Những ngôi đình nổi tiếng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam như Tây Đằng, Chu Quyến, Nghiêm Xá (Hà Nội), Trùng Hạ (Ninh Bình), đình Chảy (Hà Nam), Thổ Tang (Vĩnh Phúc), Hùng Lô (Phú Thọ) đều có chạm khắc những đề tài có liên quan đến hổ. Hổ trong điêu khắc đình làng thường không phải là các tác phẩm độc lập mà thường tham gia vào các hoạt cảnh như: hổ chạy theo chân Đinh Bộ Lĩnh trong cảnh mả táng hàm rồng, người cưỡi hổ (đình Chu Quyến), người cầm giáo đâm hổ (đình Tây Đằng), người đánh hổ, người và voi săn hổ (đình Chảy), hổ cày ruộng (đình Hùng Lô), người cầm súng bắn hổ (đình Hạ Hiệp)… Hình ảnh hổ trong điêu khắc đình làng thể hiện trong một thế giới gần gũi, thân quen, không bị lệ thuộc, gò bó về tạo hình, đa dạng về thủ pháp, giản lược về hình thức, thể hiện cái nhìn hồn nhiên, mộc mạc, hóm hỉnh, đầy sức sống của nghệ thuật dân gian truyền thống.

Hổ trong tranh dân gian Hàng Trống

Ngũ hổ là tranh dân gian thuộc dòng tranh Hàng Trống. Đây là bức tranh nổi tiếng được lưu truyền qua nhiều đời thường được bày trong những không gian thờ phụng. Trong tín ngưỡng dân gian, hổ được xem là linh vật có sức mạnh, oai linh, được tôn thờ. Ngoài tranh ngũ hổ còn có các tranh độc hổ theo màu sắc tương ứng: thanh hổ, bạch hổ, xích hổ, hắc hổ.

Màu sắc trong tranh hổ Hàng Trống khá lộng lẫy uy nghi nhưng cũng không kém phần hài hòa, độc đáo. Việc dựa trên nguyên lý ngũ hành để phối màu càng giúp bức tranh có nhiều ý nghĩa. Đường nét và cách tạo hình khỏe khoắn mang tính ước lệ cao được thể hiện theo lối đơn tuyến bình đồ, không theo quy luật xa gần của thị giác, các hình khối được sắp xếp nổi bật nhưng không kém phần uyển chuyển. Kết hợp cùng các hoạ tiết như mây ngũ sắc, cờ, kiếm, tinh tú… tạo thành một tổng thể uy nghiêm, hài hoà, cân bằng theo thẩm mỹ dân gian.

Hổ trong mỹ thuật thời Nguyễn, thế kỷ 19 – 20

Thời Nguyễn để lại nhiều di sản mỹ thuật phong phú với những hình tượng trang trí đa dạng. Hình tượng hổ – biểu trưng cho sức mạnh được sử dụng khá phố biến: trang trí trên các tấm bổ tử phẩm phục võ quan, trên các bức trướng, tranh thêu, trên đồ gỗ chạm khảm, đồ ngọc, đồ pháp lam, bình phong trong các di tích đền, miếu… Quần thể di tích Cố đô Huế còn có công trình Hổ quyền – đấu trường của voi và hổ được xây dựng năm 1830 dưới triều vua Minh Mạng. Hình hổ cũng được được đúc trên Cao đỉnh – chiếc đỉnh lớn nhất trong cửu đỉnh, báu vật tượng trưng cho đế nghiệp muôn năm vững bền của triều Nguyễn.

Hình tượng hổ dưới thời Nguyễn (thế kỷ 19 – 20) được thể hiện đa sắc, đa dạng, từ cung đình cho đến dân gian, từ các biểu tượng tôn giáo, tín ngưỡng đến đời sống sinh hoạt thường nhật, góp những nét đặc sắc vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Sưu tập tranh thêu lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đề tài hổ được sử dụng khá nhiều với ý nghĩa cát tường, chúc phúc, trừ tai… các tác phẩm thể hiện rõ tính chất nghệ thuật của nghề thêu truyền thống, từ cách phối màu, kỹ thuật thêu trên từng đồ án, tên người cung tiến, một số bức còn có niên đại chế tác trên dòng lạc khoản.

Thông qua trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn giúp công chúng khám phá, tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về sưu tập hiện vật, ý nghĩa của hình tượng hổ, một trong những linh vật quan trọng và góp mặt trong 12 con giáp (Thập nhị chi) trong lịch sử, văn hoá Việt Nam.

NO COMMENTS

Leave a Reply