Home Sự kiện Mĩ thuật Một ghi chép cá nhân về Nằm mơ đan lưới trời

Một ghi chép cá nhân về Nằm mơ đan lưới trời

Bài và ảnh của Hà Bi cho Hanoi Grapevine
Bài có sử dụng ảnh của Nguyễn Đức Hùng và tư liệu của nghệ sĩ
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Tối ngày 21/12, Bùi Bảo Trâm (nghệ danh: Rab) có màn trình diễn trong trưng bày cá nhân đầu tiên của mình, diễn ra trong khoảng 1 giờ đồng hồ giữa một căn phòng mái tôn khá ngột ngạt và oi bức. Hàng chục khán giả đứng ngồi xung quanh chăm chú dõi theo từng cử động của Rab. Nhờ thế, chúng tôi đã có một giờ đồng hồ thật sự cảm động.

Trước hết xin thông tin để độc giả biết, “Và chúng sẽ đóng rễ những nơi đất tới” là một chuỗi thực hành nơi Rab tập trung vào mối quan hệ của con người với đất, trọng tâm hướng đến tính thiêng và sự thân mật trong mối quan hệ này. Chuỗi thực hành gồm ba giai đoạn ‘Chúng ta sinh ra từ đất’, ‘Chúng ta sống trên đất’ và ‘Chúng ta tan biến về đất’; xuất hiện song song, ngẫu nhiên, không đầu – kết; tương tự như quan niệm mọi khoảnh khắc là một điểm thuộc vòng tròn, mọi điểm này khi được bóc tách đều mang ý nghĩa tương đương.

Tác phẩm “Nằm mơ đan lưới trời” hiện diện trong trưng bày lần này thuộc giai đoạn ‘Chúng ta sống trên đất’, dùng chất liệu trình diễn và sắp đặt để kể về mối tương quan của vạn vật cùng vũ trụ. Với những ảnh hưởng về tôn giáo châu Á, tác phẩm trình bày niềm tin về vũ trụ cấu tạo bởi các ‘lưới’ quan hệ chằng chịt và vận động liên tục không hồi kết. Cùng trưng bày lần này còn có tác phẩm âm thanh “Thể” của Nguyễn Khánh Nam, một cải biên của những âm thanh sinh học, chuyển hóa những đặc tính tự nhiên vốn có và đưa tính “máy” vào các thanh âm này. “Thể” cộng hưởng với “Nằm mơ đan lưới trời”, mang lại những trải nghiệm tinh tế cho người xem.

Tác phẩm “Nằm mơ đan lưới trời”

Tại đó, trong căn phòng mái tôn, có một chiếc “tổ” được đắp từ đất và lưới, hình dáng như một cái túp lều. Chiếc “tổ” này kết nối với không gian bằng hệ thống dây đan chằng chịt, tỏa ra các hướng. Phía dưới cùng, trên mặt đất và cũng kết nối với chiếc “tổ” là các chuỗi hạt có vẻ như làm từ gốm, một đầu buộc vào “tổ”, đầu kia tỏa ra bốn phía.

Rab – đại diện cho một người, một sinh vật sống – thu mình trong chiếc “tổ” ấy 12 giờ đồng hồ, vâng, 12 giờ nóng bức và ngột ngạt. Rồi như một con sâu ủ mình trong kén, cô bắt đầu phá vỡ lớp đất bọc bên ngoài tổ để chui ra. Từng bước chậm chạp, Rab dùng một cây kéo cắt những chuỗi dây gốm ở dưới sàn, lặng lẽ buộc vào hai bên chân. Một giờ đồng hồ trôi qua, Rab cuối cùng cũng hoàn thành công việc, lê từng bước về phía cửa, hai chân kéo theo những dây gốm nặng nề. Tại điểm cuối này, cô cắt bỏ hết đám dây gốm và thoát ra ngoài cửa trong trạng thái không-tài-sản, không-ràng-buộc và không-còn-ở-đây.

Rab trình diễn tác phẩm của mình đêm 21/12

Trong phút chốc, tôi dường như thấy cuộc đời một con người hay một sinh vật sống trôi qua trước mắt. Chúng ta là những sinh vật ủ mình trong cái kén, khi bước ra đời đã tự khoác lên thân những ràng-buộc, những luyến-lưu. Mỗi một sợi dây gốm là một thứ tài-sản, một gánh-nặng hay một hành-lí ta chọn buộc vào thân mình. Mỗi ngày trôi qua, những thứ đó ngày càng chồng chất thêm và làm nặng đôi chân. Và vào giây phút cuối cùng, khi bạn quyết định cắt đứt và vứt bỏ lại hết những hành trang nặng nề vướng víu ấy, bạn trở thành người tự do. Một người tự do khi không còn hiện hữu, không còn vướng bận, hoàn toàn nhẹ bẫng.

Phải chăng tự do chỉ đến khi ta không còn hiện diện ở đây và ở kia? Phải chăng hành động bứt mình ra khỏi cái kén – hay bứt mình khỏi vòng lặp an toàn và ổn định – để chọn mang vác những dây gốm nặng nề, là một chỉ dấu dẫn đến sự tự do vào phút cuối? Trong giây phút Rab bước ra khỏi căn phòng tôn với thân người không-vướng-bận, tôi chợt liên hệ với chính mình: phải rồi, tất cả mọi thứ ta cần làm lúc này là thoát ra khỏi căn phòng đó, một biểu tượng của sự an toàn và ổn định, nhưng đồng thời cũng là sự trói buộc, giam cầm; ta cũng cần cắt đứt những dây gốm nặng nề – những sở-hữu về mặt vật chất hay tinh thần – trước khi bước ra thế giới bên ngoài căn phòng. Một thân thể tự do là thân thể dám phá kén và buông bỏ. Đến tận cùng, rất có thể ta nhận ra, mọi sự sở hữu kia đều chẳng mang theo được, thân thể này cũng chẳng hề có thật, mà chỉ là một giấc mơ, nhanh như một cái chớp mắt.

Chính vì lẽ đó, mà nhiều người trong đó có tôi, đã rất cảm động khi xem trọn vẹn màn trình diễn.

Triển lãm “Nằm mơ đan lưới trời” đã diễn ra từ ngày 21 đến ngày 25 tháng 12 tại số 16 đường 12, phường Bình An, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh.

Bùi Bảo Trâm, nghệ danh Rab (sn. 2000) là một nghệ sĩ đa phương tiện hiện đang sinh sống, làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Những thực hành của Rab thường xoay quanh mối quan hệ; tập trung vào đề tài ký ức, tính thiêng đang tồn tại trong tinh thần cũng như vật chất xung quanh. Trong giai đoạn tác phẩm gần nhất, cô khai thác tính thân mật của đất và mối tương quan chất liệu này với đời sống tinh thần của con người.

NO COMMENTS

Leave a Reply